Trending: summer tours, caves, swimming, trekking, starry night...

LÀNG DU LỊCH TÂN HOÁ

Từ "Vùng rốn lũ" trở thành Làng du lịch thích ứng thời tiết được UNWTO vinh danh là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới.

TÂN HOÁ - Nơi hòa quyện giữa thiên nhiên và cộng đồng thích ứng thời tiết

Chúng tôi đã đến ngôi làng này từ 30 năm trước. Trong ký ức của mình, Tân Hoá vừa gần gũi thân thương, vừa xa xôi hẻo lánh, một thung lũng bao bọc bốn bề núi đá, những dãy giăng màn trùng điệp.

Chúng tôi cũng đã đến Tân Hoá thăm trường quay bộ phim Kong: Skull Island của Hollywood và bắt đầu thảo luận ý tưởng về một làng du lịch có nét hoang sơ, quyến rũ của thiên nhiên và một cộng đồng người dân thân thiện, mến khách!

Người Tân Hoá lâu nay thật gắn bó với thiên nhiên, sống nhờ những bãi bồi và khai thác sản vật của những cánh rừng. Mùa nước nổi, người dân dắt dìu nhau men theo vách núi sống qua ngày chờ lũ rút. Tình cảnh đó khiến chúng tôi không khỏi lo âu, thấp thỏm khi mùa mưa bão đến. Cũng vì vậy mà Tân Hoá trở thành địa chỉ của những tấm lòng cảm thông, chia sẻ và chúng tôi cũng lặp lại nhiều lần câu hỏi, làm thế nào để bà con Tân Hoá có cuộc sống tốt hơn?

Cũng từng có đề xuất dùng một lượng chất nổ đủ lớn phá vỡ hang Chuột để thoát nước cho làng quê này, nhưng thật may các cấp lãnh đạo không đồng ý. Và như thế, với tình yêu thiên nhiên và lòng kiên trì vô tận, đến nay vẻ đẹp làng quê nơi "thâm sơn cùng cốc" này đã được giữ gìn nguyên vẹn và đã được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến.

Tân Hoá hôm nay thật đặc biệt. Nhờ có du lịch, mô hình nhà nổi tránh lũ ra đời và trở thành mô hình lưu trú có một không hai. Đây là cách làm vừa đảm bảo an toàn dân sinh vừa phục vụ trải nghiệm khác biệt của du khách. Người Tân Hoá đã biến cái bất lợi thành sinh kế vững bền trên con đường chinh phục thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, với làng quê mộc mạc, yên bình!

Người Tân Hoá tự hào có rừng, có hang động đẹp và nổi tiếng. Ở đây cũng có nét văn hoá bản địa của người Nguồn với những làn điệu dân ca hò Thuốc cá "Trông chi cho đến mùa bồi, có con ốc đực nó ngồi trên mâm", "Trời mưa nước chảy hồi quanh hồi. Anh không lấy vớ (vợ) ai đâm bồi ăn anh ăn.."

Những cố gắng nỗ lực của Tân Hoá đã đạt được những thành quả bước đầu đáng ghi nhận. Nơi đây đã sáng tạo ra một loại hình du lịch mới - Du lịch thích ứng thời tiết. Và như thế, trong hành trình của mình, nếu có nơi nào đó trong sự khắc nghiệt của nắng gió miền Trung phải đóng cửa du lịch, bạn hãy đến Tân Hoá, nơi hòa quyện giữa thiên nhiên và cộng đồng, nơi hiện hữu của tấm lòng, của sự sẻ chia thật hiếm có và khác biệt!

HỒ AN PHONG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

Lịch sử hình thành làng Tân Hoá của người Nguồn

Tân Hoá là một xã miền núi vùng sâu của huyện Minh Hoá, cách trung tâm thị trấn Quy Đạt khoảng 8 km về phía Đông Nam, ở vào toạ độ 106°0’32” đến 106°6’55” vĩ độ bắc và 17°43’17” đến 17°49’15” kinh độ đông. Phía Bắc giáp xã Yên Hóa, phía Nam giáp xã Trung Hóa, phía Đông giáp xã Cao Quảng huyện Tuyên Hóa, phía Tây giáp xã Minh Hóa.

Tân Hoá có diện tích tự nhiên là 7.427,20 ha, diện tích nông nghiệp: 6.621,12 ha, đất phi nông nghiệp: 248,57 + 557,51 ha đất chưa sử dụng; dân số: 3075 người.

Tân Hoá ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm, ngày xưa rừng núi ngút ngàn với nhiều loại gỗ quý như: Dạ hương, huệ, lim, sến, gỗ mun, lát, kiền kiền và các loại tre nứa, song mây, các loại cây dược liệu quý như: Sa nhân, hà thủ ô, ngũ da bì, sâm trần, mật ong và các loại cây thuốc nam khác. Núi rừng Tân Hóa xưa kia là nơi trú ngụ của nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm như: Voi, bò tót, hổ, báo, gấu, sơn dương, hươu, nai, lợn rừng, chồn, cáo, khỉ; Nhiều loại chim như: Công, khướu, gà rừng… Núi đá vôi ở Tân Hoá có nhiều hang động như: Hang con Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn… đây sẽ là nguồn lợi lớn về du lịch sinh thái và du lịch hang động.

Tân Hóa có dòng sông Nan bắt nguồn từ xã Thượng Hoá chảy dọc theo núi đá vôi từ đầu xã đến cuối xã đổ về sông Rào Nam của huyện Quảng Trạch ra cửa Sông Gianh. Do vị trí địa lý và cấu tạo đặc thù của địa hình, Tân Hóa nằm ở phía tây của dãy hoành sơn và sự án ngự bởi các dãy núi đá vôi nên mang đậm tính chất khí hậu cận nhiệt đới, thể hiện rõ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Quanh năm khí hậu nóng, ẩm ướt, mưa nhiều và rét đậm. Mùa mưa thường đến sớm từ tháng 7 âm lịch, kết thúc vào tháng 11 âm lịch. Tuy mùa đông ở đây không thể hiện rõ nét như các vùng phía bắc nhưng có nhiều năm Tân Hóa cũng gánh chịu những trận rét đậm kéo dài, gây thiệt hại lớn cho đàn gia súc. Mùa khô thường diễn ra từ tháng 3 - 6 âm lịch, vào những tháng này nắng nóng gay gắt, số giờ nắng bình quân trong ngày 6,5 giờ, ngày nắng cao nhất đạt 9,9 giờ, mùa khô có gió tây nam thổi từ Lào sang và chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng phơn (còn gọi gió Lào hoặc gió phơn tây nam). Sự đa dạng về thời tiết đã tạo thuận lợi lớn để những người làm nông nghiệp phát triển các loại cây trồng, song bên cạnh đó hàng năm xã Tân Hóa thường xảy ra lũ lụt, thời gian từ tháng 6- 9 (âm lịch), có năm nhân dân Tân Hoá phải gánh chịu 3-4 trận lụt. Do có nhiều hang động nên khi lũ lụt nước thoát chậm gây không ít khó khăn trong sản xuất phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Về giao thông, đường bộ của xã Tân Hoá chỉ có một con đường tiếp nối từ đường 12A về trung tâm xã đi qua các thôn.

Qua bao nhiêu thăng trầm của tiến trình lịch sử, vùng đất Tân Hoá gắn liền với lịch sử hình thành phát triển của huyện Minh Hóa - tỉnh Quảng Bình. Năm Tự Đức thứ 27 (1874) Tân Hóa thuộc Minh Hóa - tỉnh Quảng Bình. Qua sưu tầm tư liệu, tháng 12/1874, thành lập huyện Minh Hoá. Có hai nguồn Kim Linh và Cơ Sa, 7 sách.

Tổng Kim Linh có 5 làng, 3 sách.

5 làng gồm:

  • Làng Cái: Làng Cổ Liêm có 12 xứ sở, có 2850 nhân khẩu.
  • Làng Yên Thọ có làng cái, Hung Ken, Xóm Roọng: 1334 khẩu.
  • Làng Kim Bảng có làng cái Linh Lính, Su Sa .v.v.. ( nay thuộc Minh Hoá).
  • Làng Tân Lý có Phủ Nhiêu, Làng Cái .v.v.. (nay thuộc xã Minh Hoá).
  • Làng Lạc Thiện: Có Lạc Thiện, Yên Hợp (nay thuộc xã Minh Hoá, Thượng Hoá).

3 sách gồm:

  • Sách Lương Năng ( nay thuộc xã Hoá Sơn).
  • Sách Cát Đặng (nay thuộc xã Hoá Sơn).
  • Sách Yên Hợp (nay thuộc xã Thượng Hoá).

Năm 1876 huyện Tuyên Hoá được thành lập, tiếp đó Minh Hoá và Tuyên Hoá sáp nhập lại với nhau. Giai đoạn năm 1945 - 1964 Tân Hoá thuộc huyện Tuyên Hoá. Năm 1965 do yêu cầu lịch sử, huyện Tuyên Hoá được tách thành 2 huyện Minh Hoá và Tuyên Hoá, xã Tân Hoá thuộc huyện Minh Hoá.

Năm 1945-1946 có xã Cổ Liêm, Yên Thọ chưa có xã Minh Hoá. Tháng 6/1947 mới thành lập xã Minh Hoá cũ (Bao gồm Hoá Sơn, Thượng Hoá, Trung Hoá, Minh Hoá, Tân Hoá ngày nay) chính quyền xã Minh Hoá tồn tại đến tháng 3/1956.

Từ tháng 4/1956 chia xã Minh Hoá thành các xã (Hoá Sơn, Thượng Hoá, Trung Hoá) riêng Minh Hoá và Tân Hoá vẫn chung xã Minh Hoá. Đến năm 1957 sau giảm tô, cải cách ruộng đất xã Minh Hoá lại được tách ra 2 xã là Minh Hoá và Tân Hoá cho đến nay.

Trải qua hàng trăm năm lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, đấu tranh chống thiên nhiên, chống ngoại xâm, cộng đồng các tộc người ở Tân Hoá sống dựa vào nhau “Chung lưng đấu cật” cùng nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ xây dựng cuộc sống trên quê hương. Qua nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử, cộng đồng các tộc người ở Tân Hoá vẫn giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống, họ xem vùng đất nắng nóng, gió Lào, lũ lụt giữa các dãy núi đá vôi là nơi chôn nhau cắt rốn. Nhân dân dần dần có cuộc sống sung túc, mang đậm tính cộng đồng làng xã, một nét đặc trưng của nông thôn Việt Nam.

Tân Hoá nằm trong vùng giao thoa nền văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc và văn hoá Sa huỳnh ở Phía Nam. Chính sự giao thoa này cùng với điều kiện sống giữa núi rừng bạt ngàn xa trung tâm kinh tế, văn hoá lớn, trải qua bao nhiêu năm tháng các thế hệ người dân Tân Hoá đã tạo dựng nên một nền văn hoá tinh thần mang bản sắc núi rừng quê hương mình, giản dị, chân chất, mộc mạc, với những điệu hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc cá, hò kéo đò, hò đối đáp giao duyên… nhưng không bị phôi phai và âm vang mãi trong lòng người dân Tân Hoá.

Người dân Tân Hoá sống theo cộng đồng làng xóm gồm làng Cổ Liêm (có thôn Cổ Liêm), làng Yên Thọ (hiện nay có 6 thôn từ thôn 1 đến thôn Rí Rị). Có hai đình làng, ở làng Cổ Liêm (có 1 Đình tiến, Đình hậu), Làng Yên Thọ (có 1 Đình tiền, Đình hậu). Đình để tổ chức hoạt động văn hoá, hội họp, bàn những việc quan trọng của làng. Nhân dân ở Trung Hoá, Thượng Hoá, Hoá Sơn, Minh Hoá thường tổ chức hát sắc bùa, hát nhà trò, đua thuyền... vào các dịp lễ, tết.

Về mặt văn hóa dân tộc: Xã Tân Hoá tập trung chủ yếu là người Nguồn là tên gọi cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường gồm 35 ngàn nhân khẩu, sinh sống ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Theo lời kể của những người lớn tuổi trong làng và gia phả của các dòng họ Cao, họ Trương và các dòng họ khác trong làng thì cho thấy tổ tiên của người Nguồn ở Tân Hoá đã đến khu vực này sinh sống từ khoảng 300 - 320 năm về trước.

Người Nguồn có ngôn ngữ riêng, đặc trưng cùng các nét sinh hoạt văn hoá riêng biệt và các giá trị văn nghệ dân gian.

Về nhà ở, trước đây người Nguồn làm nhà cột chôn, làm nhà rường cánh, xà luột, ai giàu có thì làm nhà chữ đinh lợp lá cọ. Ngày nay làm nhà tiền khách nền lát gạch hoa, sân phơi láng xi măng; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, đường làng ngõ xóm được xây dựng cơ bản bằng bê tông.

Về trang phục, trước cách mạng tháng 8/1945 người dân Tân Hoá trồng bông kéo sợi, dệt vải, cắt may. Đàn ông mặc ba ba, phụ nữ số trung tuổi trở lên mặc áo thường, cổ tròn, mặc váy. Sau khi cắt may xong (may tay) dùng lá bốm giã ra nhuộm màu khi đó mới mặc. Ngày nay người dân Tân Hoá mặc đủ các loại trang phục của thời kỳ hiện đại.

Về văn hoá tinh thần: Nhân dân Tân Hoá không theo tôn giáo nào cả chỉ có phong tục thờ gia tiên, thần và thờ những người có công với nước. Sau cách mạng tháng 8/1945, hàng năm nhân dân Tân Hoá cùng nhân dân cả nước có thêm ngày hội lớn, đó là ngày lễ Quốc khánh mùng 2 tháng 9, nhân dân ở đây thường gọi là “Tết độc lập”. Ngoài việc tổ chức thăm hỏi, ôn lại truyền thống đất nước, truyền thống quê hương, nhân dân còn tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, đua thuyền truyền thống. Và đặc biệt hằng năm tham gia hội rằm tháng 3 của huyện.

Về ẩm thực: Người Nguồn thường ăn cơm Pồi, thâu lang (rau khoai), ốc tực (ốc), cà lào... Cơm Pồi là món ăn dân dã hàng ngày của người Nguồn. Nguyên liệu chủ yếu ngày xưa là sậu (ngô) hoặc là "thoóc" (lúa), sắn; ngày nay có thêm đậu (đỗ). Dụng cụ làm cơm Pồi gồm có cối, chày, sàng và nồi hấp. Để nấu cơm Pồi, đầu tiên cần ngâm ngô vào nước sôi trong vài ba tiếng đồng hồ rồi vớt ra để ráo nước, bỏ vào cối giã, dần lấy bột. Sau đó sẽ thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra và bỏ vào "nghè hôông" (một dạng chõ) cùng với nước gọi là "nồi nân". Công đoạn tiếp theo là lấy mo chuối vấn quanh miệng, bỏ chõ đồ có bột ngô lên, bắc lên bếp đun lửa đồ chín (hấp) thành "cơm Pồi".

Người Nguồn đã gìn giữ và phát huy được tiếng mẹ đẻ của mình - tiếng Nguồn. Từ đó, họ đã sáng tạo ra một kho tàng văn học dân gian phong phú đặc sắc, gồm truyện và thơ ca dân gian phản ánh sâu sắc hiện thực lịch sử cuộc sống của người Nguồn từ thời xa xưa cho đến nay. Họ cũng sáng tạo ra những làn điệu dân ca đặc sắc gồm hò thuốc cá, đàn đúm, hát ru,... phản ánh cung cách sinh hoạt, khiếu thẩm mỹ và trình độ văn hoá của người Nguồn. Đặc biệt, điệu hò thuốc cá với cặp từ láy nhịp "hôi lên là hôi lên" là điệu hò được bắt nguồn từ nghề lao động thuốc cá tập thể bằng rễ cây tèng của người Nguồn từ xưa đến nay.

Ngày nay, Xã Tân Hoá có diện tích là 71.8 km², dân số là 3.364 người với mật độ ước tính khoảng 47 người/km² (số liệu thống kê năm 2022).

Trận lũ lịch sử 2010 và "vùng rốn lũ"

Dòng sông Rào Nan khởi nguồn từ vùng núi giáp biên giới Việt - Lào, chảy ngầm khoảng gần 3km vào Hang Rục thuộc xã Trung Hóa rồi chảy về hạ nguồn tại làng Tân Hóa.

Mùa mưa, nước sông đổ ào ạt từ vùng thượng nguồn chảy về xã Tân Hoá. Lối thoát nước duy nhất chính là những hang động ở cuối thung lũng, tuy nhiên những lối thoát này không đủ lớn để lượng nước lũ ồ ạt có thể thoát ra một cách nhanh chóng. Vì vậy, vào khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 hàng năm khi khu vực hứng những trận mưa lớn thì thỉnh thoảng sẽ xuất hiện những trận lũ lớn gây ngập sâu cho những ngôi làng ven sông Rào Nan. Trận lũ lịch sử năm 2010 với mức nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà ở Tân Hoá, người dân phải sơ tán lên các hang đá và vách núi để trú ẩn chờ nước rút. Và Tân Hoá từ đó được mệnh danh là "vùng rốn lũ".

Sau khi lũ qua đi thì đã có nhiều đề xuất như di dời toàn bộ dân làng trong vùng trũng đi nơi khác hay đề xuất phá núi để tạo luồng thoát lũ xuyên qua khu vực hang động Tú Làn. Tuy nhiên các đề xuất đều không thể thực hiện được vì người dân đã sinh sống ở ngôi làng của họ hàng trăm năm và họ không muốn dời đi sinh sống nơi khác, còn giải pháp phá núi tạo dòng thoát lũ thì cần nguồn kinh phí quá lớn, chưa kể giải pháp này có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Những căn nhà nổi sống chung với lũ và Chương trình Tú Làn Race

Những căn nhà nổi sống chung với lũ

Xã Tân Hoá nằm trong vùng lòng chảo, bao quanh là các dãy núi đá vôi, nơi được xem là “Thung lũng đựng nước”, vùng “rốn lũ” của huyện miền núi Minh Hóa, nên năm nào cũng vậy, Tân Hoá là xã bị ngập đầu tiên. Trước trận lũ lịch sử năm 2010, cứ đến mùa lũ, người dân xã Tân Hoá phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ.

Trong cái khó ló cái khôn, sau trận lũ lịch sử 2010, vào năm 2011 người dân xã Tân Hoá đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ.” Bè phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại tùy vào từng nhà làm bè lớn hay nhỏ, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà bè nổi theo nước, ban đầu người dân chỉ kết bè và đặt thùng phuy bên dưới, đồ đạc quý giá được đặt lên và lấy bạt che mưa, người dân thì lên núi dựng lán tránh lũ cho đến khi nước rút mới quy về dọn dẹp, đến năm 2012 dần về sau từ kinh nghiệm qua những năm lụt bà con cải tiến từ bè nổi lên thành nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa nắng vì là nước dâng không chảy xiết nên bà con cố định nhà thông qua 4 cọc định vị ở 4 gốc nhà và cả gia đình sống trong nhà nổi sinh hoạt bình thường, ngoài mùa mưa lũ người dân dùng nhà nổi để cất đồ đạc như lương thực lúa, gạo, ngô…và các thiết bị quan trọng khác.

Tuy nhiên do đời sống của người dân lúc đó còn rất khó khăn, do đó lượng nhà nổi được xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay và những trận lũ những năm sau đó thì người dân vẫn phải sơ tán lên những núi dựng lán trú ẩn chờ khi nước rút mới quay về nhà.

Chương trình Tú Làn Race

Từ đầu năm 2015, Công ty Chua Me Đất (Oxalis) đã tổ chức cuộc đua “Thử Thách Tú Làn” (Tu Lan Adventure Race) nhằm gây quỹ để tài trợ xây dựng nhà nổi cho những hộ dân khó khăn, không đủ điều kiện làm nhà nổi tránh lũ. Trong vòng 6 năm, Công ty Chua Me Đất đã tài trợ được gần 200 ngôi nhà nổi với thiết kế hoàn toàn mới: khung nhà bằng thép, tường và mái được bọc tôn để chống dột khi mưa, giữ ấm khi có gió. Diện tích mỗi nhà được tăng lên thành 30m2, đủ để một gia đình có ít nhất 6 người cùng các nhu yếu phẩm để sống và sinh hoạt qua được những ngày mưa lũ.

Tính đến năm 2023 thì gần 620 căn nhà nổi được xây dựng ở xã Tân Hoá, đảm bảo 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ. Toàn bộ 620 căn nhà nổi này được các tổ chức, cá nhân và các mạnh thường quân tài trợ 100% kinh phí để xây dựng. Cuộc sống của người dân Tân Hoá ngày nay đang thích ứng với thời tiết và họ sống chung với lũ một cách yên bình. Khi mùa mưa đến họ dự trữ thực phẩm, nước sạch trên nhà nổi đủ cho khoảng 7 đến 10 ngày. Vào những ngày lũ thì người dân sẽ lùa đàn gia súc (trâu, bò) của họ lên núi để tránh lũ, những vị trí đã được sắp xếp và quy ước sẵn để sau khi nước rút thì trâu có thể dễ dàng đi xuống núi và trở về cánh đồng cỏ của chúng. Hàng ngày họ chèo thuyền đi cắt cỏ cung cấp cho trâu bò ăn, người dân nói cười với nhau thật vui vẻ và cuộc sống của họ cứ diễn ra bình thường và thích ứng với mọi điều kiện thời tiết như thế.

Ngày nay vào những ngày lũ về, từ kinh nghiệm nhiều năm sống chung với lũ, thì người dân Tân Hoá chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm và nước sạch đầy đủ và không còn cảnh những mạnh thường quân phải tật bất cung ứng, cứu trợ cho Tân Hoá mỗi khi có lũ về như những năm trước đây.

Hoạt động du lịch hang động Tú Làn

Sự hình thành hoạt động du lịch

Từ năm 2011, Oxalis lần đầu tiên được cấp phép khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực Hệ Thống Hang Động Tú Làn. Đến năm 2014, tuyến du lịch khám phá Tú Làn chính thức được vận hành với 9 tour, cùng nhiều loại hình khác nhau, phù hợp với các đối tượng khách hàng trong và ngoài nước. Tại đây có những tour từ mức độ dễ dàng, phù hợp với đối tượng khách gia đình, cho đến những tour thám hiểm mức độ khó, phù hợp với những khách hàng năng động và ưa thử thách giới hạn bản thân.

Từ khi xây dựng các tuyến du lịch mạo hiểm, Công ty Oxalis luôn đặt tiêu chí có sự tham gia của cộng đồng địa phương lên hàng đầu. Tính đến nay, Oxalis đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 120 lao động địa phương (người Nguồn), bao gồm 20 nhân viên toàn thời gian và 100 nhân viên thời vụ. Họ tham gia các khóa tập huấn và đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn. Những người có năng lực sẽ được tài trợ đào tạo thành hướng dẫn viên, đầu bếp, nhân viên điều hành và lễ tân tại khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge.

Với mức thu nhập bình quân dao động từ 6 đến 8 triệu đồng cho 14 - 16 ngày làm việc mỗi tháng, người dân địa phương làng Tân Hoá vừa có thể hợp tác với Oxalis để phục vụ khách du lịch vừa có thể làm công việc đồng áng hay chăm sóc gia đình hoặc làm thêm công việc khác để tăng thêm thu nhập.

Những người đàn ông ngày xưa chỉ biết sống dựa vào việc săn bắn, đánh bắt cá, cưa gỗ hay phá rừng… nay trở thành những người bảo vệ từng ngọn cây, ngọn cỏ, nhặt từng cọng rác vương vãi trên lối mòn mà người dân hay khách du lịch đi qua. Họ nâng niu, bảo vệ từng lối đi trong hang hay từng con cá dưới suối. Bởi vì hơn ai hết, họ hiểu rằng, chính những tài nguyên đó đưa khách du lịch đến đây và tạo công văn việc làm, tăng thu nhập giúp họ cải thiện cuộc sống.

Ngày nay, nếu bạn đến với làng Tân Hóa, Huyện Minh Hóa, Tỉnh Quảng Bình, bạn sẽ thấy những ngôi nhà được xây bằng gạch kiên cố với mái ngói hiện đại, xen lẫn những ngôi nhà 2 tầng khang trang, dần thay thế cho những ngôi nhà gỗ truyền thống. Người dân nơi đây hiểu rằng, chỉ có bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và góp phần chống biến đổi khí hậu thì mới tránh được thiên tai, bão lụt.

Những ngôi trường được xây cao tầng, khang trang và rộng rãi hơn. Cơ sở vật chất cũng được tăng cường tài trợ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, để rồi trong tương lai không xa, những đứa trẻ người Nguồn của làng Tân Hóa ấy sẽ vươn mình bay xa, trở thành những kỹ sư, bác sĩ hay hướng dẫn viên du lịch, trở về cống hiến cho quê hương.

Hoạt động du lịch ở Tân Hoá trong những năm qua

Kết quả khai thác giai đoạn 2013 - 2023

- Tổng số lượng khách tham quan giai đoạn 2013 - 2023: Tổng lượt khách đón và phục vụ giai đoạn 2013-2023 là 63.115 lượt khách, trong đó: Tuyến Tú làn: 45.039 lượt khách; Tuyến Hang Tiên: 18.076 lượt khách.

- Tổng doanh thu bán tour và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước giai đoạn 2013 - 2023:

STT Nội dung Số tiền (VNĐ)
1 Tổng Doanh thu (bao gồm GTGT) 183.477.000.000
2 Thuế GTGT phải nộp 15.756.489.562
3 Phí trích nộp (Vé tham qua, DVMTR) 10.691.886.900
4 Chi phí porter 31.551.515.000

Trong đó, Số liệu của 3 năm gần nhất như sau:

STT Nội dung 2021 2022 2023 (9 tháng)
1 Số lượt khách 3.508 9.304 9.437
2 Tổng Doanh thu (bao gồm GTGT) 9.908.000.000  28.823.500.000  26.655.000.000 
3 Thuế GTGT phải nộp     630.509.091  2.135.074.074  2.255.406.397 
4 Phí trích nộp (Vé tham quan, DVMTR)* 484.571.900  1.252.650.000  1.791.380.000 
5 Chi phí porter 2.520.885.000  5.002.350.000  5.566.750.000 

*Phí tham quan được giảm 50% trong năm 2021-2022 do dịch COVID, phí Dịch vụ môi trường rừng vẫn giữ nguyên.

Hiệu quả kinh tế - xã hội

Việc đưa vào khai thác hệ thống hang động Tú Làn – Hang Tiên, tour ATV và khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội địa phương rõ rệt, như:

  • Tạo ra được nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương trong khu vực;
  • Công tác bảo vệ rừng trong khu vực được thực hiện tốt, giảm được áp lực người dân vào rừng khai thác tài nguyên trong nhiều năm qua; diện tích rừng trong phạm vi, khu vực khai thác hoạt động du lịch được bảo vệ tốt;
  • Nhiều dịch vụ bổ trợ được phát triển (nhà hàng, quán ăn, dịch vụ vận chuyển, sản phẩm nông nghiệp địa phương,…); điều kiện, đời sống người dân trong khu vực được nâng lên từ hoạt động du lịch, dịch vụ mang lại;
  • Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư phát triển;

Tuyển dụng, sử dụng lao động

Trong thời gian qua đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyển dụng và đào tạo nghề, sử dụng lao động địa phương nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người người dân, cụ thể: Đã tuyển dụng được 120 lao động địa phương tham gia phục vụ khách, trong đó:

- Tuyển dụng nhân viên khuân vác (porter), dọn phòng, giặt là: Tour Tú Làn: 60 người; Tour Hang Tiên: 27 người; Nhân viên giặt là, dọn phòng: 13 người;

- Tuyển dụng nhân viên việc toàn thời gian: 20 người.

Tất cả lực lượng lao động tuyển dụng phục vụ khách đã được Công ty đào tạo tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn và thực hiện nghiêm quy định của Công ty về việc khai thác du lịch mạo hiểm và chấp hành nghiêm quy chế quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật; bên cạnh đó, Công ty mua bảo hiểm tai nạn lao động cho toàn bộ người lao động được tuyển dụng nhằm đảm bảo quyền lợi và chế độ cho người lao động khi có sự cố rủi ro xảy ra;

Việc tuyển dụng lao động địa phương tham gia phục vụ trong các tour đã tạo được việc làm và thu nhập ổn định; thu nhập bình quân năm 2023: 08 triệu/tháng/người.

Công tác Đào tạo - Tập huấn

Xác định nhiệm vụ đào tạo, tập huấn là nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như công tác đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên phục vụ; hàng năm Oxalis tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho nhân viên về công tác sơ cấp cứu, cứu hộ cứu nạn,… do các chuyên gia hang động đảm nhiệm, đồng thời mời Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho nhân viên.

Hành trình từ "lâm tặc" thành người bảo vệ rừng

Trước khi có hoạt động du lịch thì hầu hết người dân Tân Hoá sống bằng nghề làm nông và khai thác các tài nguyên trong cánh rừng Tú Làn. Họ tham gia các hoạt động như khai thác mật ong rừng, khai thác gỗ và săn bắt thú rừng bán cho các nhà hàng vùng thành thị. Cánh rừng Tú Làn trước đây có nhiều loại gỗ quý như lim, táu và nhiều loại gỗ thuộc nhóm I, II quý hiếm, và có cả hệ động thực vật phong phú. Trước năm 2010 khu vực Tú Làn còn có cặp voi rừng sinh sống, tuy nhiên chúng cũng bị thợ săn bắn giết lấy thịt và các loại động vật khác như gấu, nai, sơn dương, khỉ, vượn… cũng dần bị săn bắn và tận diệt. Khi đi ngang thung lũng La Ken hay đoạn sông Rào Nan thì sẽ thấy rất nhiều gỗ khai thác trong rừng và tập kết chờ vận chuyển ra bán ở bên ngoài...

Mọi thứ từng bước thay đổi khi có hoạt động du lịch xuất hiện tại Tân Hoá. Một số thợ rừng được sử dụng làm nhân viên khuân vác phục vụ trong các tour du lịch Tú Làn, họ được Oxalis đào tạo và huấn luyện các công việc phục vụ khách du lịch như khuân vác hành lý, trợ lý an toàn, đầu bếp và nhiều vị trí khác. Họ ngạc nhiên mỗi khi thấy khách du lịch rất hào hứng khi thấy những chú voọc, hay khỉ nhảy chuyền cành trên cây, hay khi du khách thường ôm hay thể hiện sự ngưỡng mộ khi họ đi bắt gặp những cây cổ thụ trên đường đi. Rồi dần dần những nhân viên khuân vác này nhận ra rằng nếu họ chung tay bảo vệ cánh rừng, bảo vệ động vật hoang dã trong rừng thì sẽ khiến khách du lịch thích thú và quan tâm hơn, càng nhiều khách du lịch đến Tân Hoá thì không những họ mà con em địa phương cũng có thêm việc làm. Từ đó những người trước đây là phá rừng thì nay họ trở thành những người bảo vệ rừng, họ trân trọng cánh rừng của quê hương họ, vì họ biết, cánh rừng này đã cho họ việc làm, có thu nhập ổn định và con cái học có điều kiện học hành đàng hoàng hơn. Ngày nay, khi vào rừng Tú Làn sẽ không còn bắt gặp cảnh người dân đi khai thác gỗ trái phép như những năm trước đây nữa.

Các đoàn làm phim điện ảnh đến Tân Hoá

Với mục tiêu biến “vùng rốn lũ” Tân Hoá trở thành trung tâm du lịch ở khu vực Tây Bắc Quảng Bình, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Du lịch Tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Minh Hoá và xã Tân Hoá cùng với Công ty Oxalis đã vạch ra những chiến lược bài bản để từng bước hiện thực hóa những kế hoạch. Trong các hoạt động xây dựng Tân Hoá trở thành trung tâm du lịch trọng điểm bên cạnh Phong Nha - Kẻ Bàng thì công tác quảng bá điểm đến và tiếp thị là rất quan trọng. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy việc quảng bá điểm đến thông qua các bộ phim điện ảnh đã phát huy hiệu quả rất tốt cho ngành du lịch, như bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" đã giúp cho ngành du lịch New Zealand thu hút được lượng lớn khách du lịch quốc tế đến quốc gia này trong nhiều năm qua, hay bộ phim "Lost in Thailand" được quay ở Chiang Mai đã thu hút hàng triệu khách du lịch Trung Quốc đến du lịch tại khu vực này…

Tại Tân Hoá cũng vậy, thiên nhiên ban tặng cho người dân Tân Hóa nhiều cảnh quan rất đẹp và hội tụ các yếu tố cần thiết để mời gọi các đoàn làm phim điện ảnh đến thực hiện các cảnh quay tại khu vực này. Trên thực tế đã có rất nhiều đoàn làm phim đến khảo sát tại khu vực Tú Làn, Tân Hoá và có 3 đoàn làm phim đã quyết định sử dụng các bối cảnh cho bộ phim của họ như “Kong: Skull Island”, “Người Bất Tử” và “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Sau khi những bộ phim này được công chiếu thì đã góp phần tạo hiệu ứng quảng bá rất lớn và giúp Tú Làn, Tân Hoá ghi tên của mình vào bản đồ du lịch thế giới.

Hành trình của “Kong: Skull Island” tại Quảng Bình

Nằm ở vùng lõi của dải đất hình chữ S, tỉnh Quảng Bình là nơi chứa đựng vô số kỳ quan hùng vĩ nhất thế giới tự nhiên, những hệ sinh thái nguyên sơ mà không nơi nào có được. Cũng vì lẽ đó mà giờ đây, ngày càng nhiều nhà biên kịch, đoàn làm phim từ khắp nơi trên thế giới tìm đến Quảng Bình để ghi lại những thước phim ngoạn mục. Trong số đó, nổi tiếng nhất chắc chắn phải nhắc đến bộ phim bom tấn năm 2017 mang tên “Kong: Đảo đầu lâu” (Kong: Skull Island) của đạo diễn Hollywood Jordan Vogt-Roberts.

Một trong những thương hiệu điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới, King Kong, đã từ Hollywood xa xôi đến với Quảng Bình để khởi đầu một hành trình hoàn toàn mới với cái tên “Kong: Đảo Đầu Lâu”.

Sau khi được khởi chiếu vào năm 2017, bộ phim đã nhận được vô số lời khen ngợi từ khán giả và thậm chí đã được đề cử giải Oscar cho danh hiệu “Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất” cũng trong năm đó. Đoàn làm phim tin rằng một trong những lý do chính đã mang tới thành công cho bộ phim chính là bối cảnh, điều mang tới những thước phim vô cùng chân thật, lột tả được những khoảnh khắc đáng nhớ trên hành trình của Vua đảo Đầu Lâu - Kong.

Hai địa điểm quay chính của bộ phim tại Quảng Bình là hệ thống hang động Tú Làn và hồ Yên Phú. Trong đó, Tú Làn là hệ thống hang động được tạo nên bởi hơn 10 hang động. Hệ thống hang động này tọa lạc trong những khu rừng rậm, giữa núi đồi trập trùng của xã Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng khoảng 70km về phía Tây Bắc. Bạn sẽ bắt gặp dòng sông Rào Nan kéo dài, uốn lượn quanh những đồng cỏ, cánh đồng lạc xanh mởn mởn nằm trước Hang Chuột – một hang động thuộc hệ thống hang động Tú Làn nếu đã có cơ hội thưởng thức bộ phim.

Một địa điểm khác đã được chọn ghi hình tại Quảng Bình là hồ Yên Phú, được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp của làng Yên Phú, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Với vẻ đẹp trong xanh, được mây mù bao phủ cùng không gian rộng lớn, hồ Yên Phú đã được chọn cho bối cảnh một phi công bị thương nặng khi chiếc trực thăng do anh cầm lái rơi xuống đảo.

Phim “Người Bất Tử” của Victor Vũ

Quảng Bình luôn được biết đến với những cảnh sắc núi non trùng điệp, những kỳ quan hang động với những cấu trúc tráng lệ qua hàng triệu năm sâu trong lòng hang. Và Tú Làn cũng chính là một nơi như vậy. Nằm ở vùng núi cao Quảng Bình, khu vực Tú Làn với hệ thống hơn 10 hang động lớn bé khác nhau, được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi và rừng rậm nhiệt đới, đem đến một khung cảnh vô cùng hoang sơ, hùng vĩ mà thật thanh bình.

Sau thành công của bộ phim nổi tiếng “Kong: Skull Island” được khởi chiếu vào năm 2017, vùng đất Tú Làn và Quảng Bình một lần nữa trở thành điểm đến thu hút của các đoàn làm phim trong nước cũng như quốc tế. Đáng kể đến đó là dành được sự chú ý của Victor Vũ - Đạo diễn của các bộ phim nổi tiếng như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”,...

Sau nhiều tháng khảo sát và được thuyết phục bởi bối cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, cánh đồng bất tận và hệ thống hang động phù hợp nội dung truyền tải của bộ phim. Đạo diễn Victor Vũ và ekip sản xuất đã dành 70% cảnh quay chính tại Tú Làn - Quảng Bình cho bộ phim mới: “Người Bất Tử”. Với sự am hiểu về địa hình cũng như kinh nghiệm nhiều năm phục vụ các đoàn phim quốc tế, Oxalis hân hạnh trở thành đối tác, hỗ trợ đoàn làm phim trong các khâu hậu cần suốt thời gian hơn 1 tháng thực hiện. Đồng thời đảm bảo an toàn cho diễn viên và ekip làm phim khi di chuyển vào ra khu vực hệ thống hang động.

Sau khi quay xong bộ phim thì vào năm 2018, đoàn làm phim “Người Bất Tử” đã có dịp trở lại Tú Làn để tham vào cuộc đua Thử thách Tú Làn do Oxalis Adventure tổ chức. Tại đây, cả ekip sản xuất đã được thử sức với các chặng đua đầy thử thách như chạy bộ, chèo thuyền, trekking, lội suối, bơi hang… và hơn hết mọi người được trải nghiệm Tú Làn thêm lần nữa, tận hưởng trọn vẹn hơn cảnh sắc non nước, hang động tuyệt đẹp ở nơi đây.

Phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ)

“Truyền thuyết về Quán Tiên” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) được khởi quay từ tháng 4 năm 2019 và lấy bối cảnh ở nhiều địa danh tại Quảng Bình như: Suối Trạ Ang, Đường 20 Quyết Thắng (Huyện Bố Trạch), Hang Tú Làn (Huyện Minh Hóa), nông trường Ba Rền và một số ngọn đồi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây...

Bộ phim xoay quanh một trạm dừng chân của ba cô gái thanh niên xung phong. Nằm giữa vẻ đẹp ấn tượng của rừng nhiệt đới và những dòng suối bí ẩn, nơi tưởng như chưa từng có dấu chân con người, một trạm dừng chân được đặt trong một hang động kỳ bí có tên là Quán Tiên (Hang Chuột). Đây là nơi được ba nữ thanh niên xung phong trẻ trung, xinh đẹp chịu trách nhiệm mở quán ăn trong hang để tiếp tế cho bộ đội khi hành quân. Trên đường ra tiền tuyến, bộ đội có những phút nghỉ ngơi bình yên nên gọi nơi đây là quán Tiên.

Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Xuân Thiều, bộ phim được nhận giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI.

Tú Làn, Tân Hoá trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế

Đưa người dân tham gia vào hoạt động du lịch

Cách đây hơn 10 năm, người dân Tân Hóa sống chủ yếu dựa vào công việc làm nông, nương rẫy, chăn nuôi gia súc, đàn ông thì vào rừng khai thác gỗ về làm nhà, bán cho dân buôn và săn bắt thú rừng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên sau 10 năm tiếp xúc với du lịch mọi thì suy nghĩ cũng như tư duy của người dân cũng dần thay đổi. Họ hiểu rằng phát triển du lịch sẽ mang lại cho họ có được cuộc sống kinh tế gia đình ổn định và phát triển, con cái được học hành đến nơi đến chốn, có định hướng tương lai để xây dựng quê hương của chính mình. Đặc biệt hơn hết là có gần 120 người trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch như các tour đi vào hệ thống hang động Tú Làn, làm việc tại Tú làn Lodge và tour trải nghiệm lái xe ATV Khám phá rừng Lim. Người dân địa phương dễ mến, làm việc chăm chỉ và ham học hỏi. Hiện nay là thời điểm phù hợp để người dân cùng với Oxalis tham gia khai thác các dịch vụ du lịch để cùng nhau phát triển. Oxalis đã thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân địa phương để họ có thể cùng tham gia khai thác du lịch với Oxalis.

Dịch vụ trải nghiệm ăn tối tại nhà dân

Làng Tân Hóa là một ngôi làng nhỏ tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, với dân số khoảng trên 3.300 người, đều thuộc cộng đồng người Nguồn. Đây là một cộng đồng trong nhóm Việt – Mường sinh sống ở huyện Minh Hóa. Tuy có tiếng nói riêng nhưng không có chữ viết riêng nên họ chưa được công nhận là một dân tộc của Việt Nam. Người Nguồn có ngôn ngữ và văn hóa đặc trưng, cùng với các giá trị văn hóa dân gian vô cùng phong phú. Trước đây, nghề chính của họ là làm rẫy, đánh cá, săn bắt và lấy mật ong, cũng như các nghề hái lượm tự nhiên để có nguồn thức ăn đa dạng như bắt ốc, hái quả cà Lào, hái rau rừng, đào khoai mài,…

Bên cạnh các giá trị về văn hóa, lịch sử, người Nguồn còn có văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo. Tại một bữa ăn thường ngày của người Nguồn sẽ có những món ăn vô cùng đặc biệt mới lạ đặc biệt là với du khách như: cơm Pồi, rau khoai (hay còn gọi là thâu lang), ốc tực (ốc), cà lào,… Trong số đó, “Cơm Pồi” là món ăn đặc trưng truyền thống với nguyên liệu chủ yếu là từ ngô (sậu) hoặc là “thoóc” (lúa), sắn, đậu (đỗ) được chế biến vô cùng kỳ công và đặc biệt đòi hỏi nhiều thời gian.

Kể từ khi Công ty Oxalis khai thác du lịch hang động Tú Làn (từ năm 2014), cộng đồng người dân Tân Hóa đã bắt đầu tham gia hoạt động du lịch thông qua các công việc như khuân vác đồ và hỗ trợ an toàn cho du khách trong các tour mạo hiểm của công ty. Hiện nay, hơn 80 người dân Tân Hóa tham gia vào các tour mạo hiểm này với thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng mỗi tháng.

Từ tháng 11 năm 2022, Oxalis đã thử nghiệm thành công và áp dụng vào tour dịch vụ ăn tối tại nhà dân để giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc của người dân Tân Hóa tới du khách. Sau khi tham gia các tour “Thám hiểm Tú Làn”, “Khám phá Tú Làn”, “Thám hiểm Hang Tiên”, khách hàng sẽ được trải nghiệm một đêm lưu trú tại Tú Làn Lodge và thưởng thức bữa tối tại nhà dân. Bữa tối này sẽ được chuẩn bị, nấu và phục vụ bởi chính chủ nhà, với những món ăn truyền thống đặc sắc nhất của người làng Tân Hóa.

Các gia đình tham gia cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách được đào tạo và hướng dẫn kỹ càng bởi Oxalis về quy trình chế biến thực phẩm, từ đảm bảo vệ sinh an toàn cho đến trình bày và bài trí thực đơn. Chất lượng của thực phẩm được đảm bảo luôn đạt độ tươi ngon cao nhất để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Trải nghiệm bữa ăn tại nhà dân không chỉ là thưởng thức những món ăn truyền thống hấp dẫn của người Nguồn, mà còn là một trải nghiệm đầy giá trị văn hóa. Khi tham gia dịch vụ này, du khách sẽ hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương, kiến trúc truyền thống của ngôi nhà người Nguồn và cả văn hóa gia đình, cộng đồng của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, chu đáo và hiếu khách của những người dân Tân Hóa sẽ khiến quý khách cảm thấy bất ngờ và ấn tượng. Với trải nghiệm độc đáo này, buổi ăn tại nhà dân sẽ trở thành một kỉ niệm khó quên trong chuyến đi của du khách.

Khách hàng lưu trú tại Tú Làn Lodge dù không đi tour của Oxalis vẫn có thể đặt dịch vụ trải nghiệm ăn tại nhà dân với mức giá 250.000 đồng/khách (giá đã bao gồm VAT). Trong đó người dân được hưởng 200 ngàn đồng cho mỗi khách để lo phần ăn uống trong khi Oxalis hưởng 50 ngàn đồng mỗi khách để lo chi phí quản lý, bán hàng, tiếp thị và thuế VAT.

Hiện nay Oxalis đang hỗ trợ cho 7 hộ gia đình cung cấp dịch vụ ăn uống tại nhà và đến tháng 11/2023 sẽ tăng lên 10 hộ. Oxalis sẽ bảo đảm cung cấp nguồn khách hàng tháng và mỗi hộ gia đình sẽ có thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng.

Dịch vụ này được triển khai từ tháng 11/2022 và đã được hàng ngàn khách du lịch trải nghiệm và đánh giá cao dịch vụ này.

Tân Hoá Homestay

Rural Homestay là mô hình lưu trú thích ứng với thời tiết, được Oxalis tài trợ toàn bộ chi phí xây dựng dựa trên căn nhà nổi chống lũ của 10 hộ dân ở Tân Hoá. Mỗi căn nhà Rural Homestay được đầu tư với số tiền là 150 triệu đồng, theo thỏa thuận tài trợ không hoàn lại giữa Oxalis và chủ hộ.

Mỗi căn homestay được thiết kế khép kín với không gian rộng rãi và tiện nghi, diện tích từ 26m2 đến 40m2, phù hợp cho 1-3 người ở. Homestay được hỗ trợ vận hành bởi Tú Làn Lodge, cam kết đem lại sự chuyên nghiệp và tiện lợi cho khách hàng. Ngoài ra, chủ nhà sẽ luôn sẵn sàng phục vụ và hướng dẫn quý du khách trong suốt thời gian lưu trú tại homestay.

Nằm trong khuôn viên nhà dân, homestay được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ và thung lũng cỏ bao la. Từ homestay, du khách có thể tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của khu vực. Xuyên qua thung lũng là dòng sông Rào Nan hiền hòa, màu xanh ngọc bích bồi đắp phù sa cho những cánh đồng hai bên bờ sông mỗi độ mưa về.

Đây là một lựa chọn lưu trú phù hợp cho những người thích ở gần với người dân địa phương khi đến làng Tân Hoá. Các căn homestay được xây dựng trong khuôn viên nhà dân và được thiết kế để mang lại trải nghiệm giống như người bản địa.

Homestay được xây dựng theo mô hình nhà nổi. Khi có lụt xảy ra tại Tân Hoá, homestay sẽ nổi lên cùng với nước để du khách có thể tiếp tục sinh hoạt bình thường. Đây là cơ hội để du khách trải nghiệm cuộc sống bản địa trên nhà nổi. Du khách cũng có thể di chuyển xung quanh khu vực và chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt chỉ có thể thấy vào những ngày lụt.

Khi lưu trú tại đây, du khách có nhiều hoạt động để tham gia như tour thám hiểm hang động Tú Làn, tour xe mô tô địa hình ATV khám phá rừng Lim Tân Hoá, đạp xe khám phá những cánh đồng ngô, tham quan làng mạc và trải nghiệm dịch vụ ăn tối tại nhà người dân địa phương để hiểu thêm văn hoá và đời sống của người dân tại nơi được mệnh danh là “vùng rốn lũ”.

Tân Hoá homestay hoạt động theo mô hình liên kết giữa Oxalis và chủ hộ, theo đó chủ hộ chủ động toàn bộ phần phục vụ khách trong thời gian họ lưu trú tại nhà của mình, bao gồm công tác đón khách, hỗ trợ khách hàng trong thời gian họ lưu trú tại homestay, tự chi phí các vật dụng và các món đồ cung cấp miễn phí cho khách trong phòng, điện, nước, wifi, chi phí giặt phơi đồ vải (vỏ chăn, gối, nệm, khăn tắm, khăn mặt)… Trong khi Oxalis chịu trách nhiệm quảng bá, tiếp thị và bán hàng, tìm kiếm khách hàng và phân phối cho các chủ hộ homestay để bảo đảm sự đồng đều giữa các hộ với nhau, phục vụ ăn sáng cho khách tại Tú Làn Lodge và xuất hoá đơn VAT. Giá bán là 1 triệu đồng/phòng/đêm đã bao gồm thuế VAT. Trong đó chủ nhà hưởng 600 ngàn đồng và Oxalis nhận 400 ngàn đồng/phòng/đêm.

Dịch vụ homestay được triển khai thử nghiệm vào tháng 5/2023 và đi vào khai thác chính thức vào tháng 11/2023. Dự kiến mỗi hộ gia đình sẽ bố trí khách nghỉ từ 15 đến 20 đêm mỗi tháng, thu nhập dự kiến từ 9 triệu đến 12 triệu mỗi tháng.

Các ý tưởng mô hình tương lai

Trang trại cung ứng thực phẩm sạch

Hàng năm Oxalis chi khoảng 3.5 - 5 tỷ đồng chi phí mua thực phẩm phục khách tham quan các tuyến du lịch Tú Làn và hoạt động của Tú Làn Lodge. Nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm như thịt gà, trứng gà, vịt, rau, củ, quả sạch là rất lớn. Hiện nay Oxalis đang thu mua một phần từ các nhà cung ứng địa phương và một phần là từ hệ thống siêu thị. Từ 2024 trở đi, Oxalis sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ dân xây dựng trang trại nuôi gà sạch, gà đẻ trứng sạch và các hộ trồng rau ăn lá, củ, quả để cung ứng cho các tour du lịch của Oxalis. Dự kiếm sẽ có khoảng 4 - 5 hộ tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách du lịch và hưởng lợi từ hoạt động du lịch trên địa bàn mang lại.

Bán hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP

Làng Tân Hóa không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống hang động độc đáo và sự phong phú các giá trị văn hóa, mà Tân Hóa còn được du khách biết đến bởi các nông sản sạch địa phương như mật ong nuôi, đỗ xanh, đỗ đen, lạc, măng tre... Đây là các nông sản được người dân nuôi trồng, hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Ngoài dịch vụ ăn tại nhà dân, du khách cũng có thể tham quan các khu nuôi trồng tại địa phương và mua những món ăn ngon này làm quà cho bạn bè và gia đình. Đây là một cách tuyệt vời để hỗ trợ cộng đồng địa phương và chia sẻ cho những người thân người bạn của mình.

Dược liệu cổ truyền của người dân địa phương

Tân Hóa cũng có rất nhiều dược liệu, lá thuốc quý hiếm như: Sa nhân, hà thủ ô, ngũ gia bì, sâm trần, và các loại cây thuốc nam khác. Bên cạnh đó, có rất nhiều dược liệu dân gian do người dân bào chế để ngâm chân, cải thiện năng lượng cơ thể và giả độc tố và đặc biệt phối hợp với xoa bóp y học cổ truyền. Mỗi hộ dân Homestay đều được tập huấn đào tạo nghề xoa bóp bấm huyệt chân, vai gáy, cổ… Đây cũng được xem là dịch vụ cộng thêm để người dân có thêm thu nhập.

Làng du lịch thích ứng thời tiết và hành trình trở thành một trong những ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới của UNWTO

Nhằm từng bước đưa Tân Hoá từ một vùng được xem là "rốn lũ" của Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía Tây Bắc Quảng Bình, từ năm 2014, Oxalis đã cùng với chính quyền xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, Sở Du lịch và UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hoá: Từ việc đưa người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch đến việc từng bước đưa người dân làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch.

Các bước xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, sản phẩm tour lái xe mô tô địa hình khám phá rừng Lim và các sản phẩm khác nhằm từng bước đa dạng hoá các dịch vụ dành cho khách du lịch.

Tân Hoá được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và trong các dịch vụ đa dạng khác dành cho khách du lịch.

Tân Hoá cũng được đầu tư bài bản trong công tác quảng bá thông qua hàng trăm bài báo trong và ngoài nước giới thiệu về Tú Làn, Tân Hoá, các bộ phim bom tấn về quay tại Tân Hoá như “Kong: Skull Island”, “Người Bất Tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”,...

Giải thưởng làng du lịch tốt nhất của tổ chức du lịch thế giới UNWTO

Đây là một sáng kiến toàn cầu nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua du lịch.

Sáng kiến này được triển khai vào năm 2021 như một phần của Chương trình Du lịch vì Phát triển Nông thôn của UNWTO, nhằm tìm cách biến du lịch trở thành động lực cho sự phát triển và phúc lợi nông thôn. Tính đến năm 2022, có hơn 70 ngôi làng từ gần 40 quốc gia đã được UNWTO công nhận là Làng du lịch tốt nhất. Những ngôi làng này là ví dụ về các điểm đến du lịch nông thôn mang lại trải nghiệm chân thực và đa dạng cho du khách, đồng thời tạo cơ hội và lợi ích cho người dân địa phương và môi trường.

Sáng kiến này có ba trụ cột: công nhận, nâng cấp và mạng lưới. Trụ cột công nhận trao giải cho những ngôi làng đáp ứng tiêu chí xuất sắc về tài sản văn hóa và thiên nhiên, giá trị nông thôn và dựa vào cộng đồng, sự đổi mới và tính bền vững. Trụ cột nâng cấp cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn cho các làng cần cải thiện một số khía cạnh trong phát triển du lịch của họ. Trụ cột mạng lưới kết nối tất cả các làng tham gia sáng kiến và tạo điều kiện trao đổi các kinh nghiệm, kiến thức và nguồn lực tốt.

Quá trình tham gia giải thưởng Làng du lịch tốt nhất của tổ chức du lịch thế giới

Cuối năm 2022, qua tham khảo thực tế tại Tân Hoá, đại diện Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia) đã đề nghị Tân Hoá tham gia giải thưởng “Best Tourism Villages” của UNWTO. Nhận thấy đây là cơ hội tốt giúp cho công tác quảng bá cho Tân Hoá và khu vực, do đó đại diện Oxalis đã phối hợp với UBND xã Tân Hoá, UBND huyện Minh Hoá và sở du lịch tiến hành lập kế hoạch xây dựng mô hình làng du lịch theo chuẩn của UNWTO để tham gia giải thưởng.

Việc chuẩn bị hồ sơ tham gia giải thưởng và xây dựng các tiêu chí đáp ứng các yêu cầu của UNWTO là rất phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về các tiêu chí môi trường, lao động, cộng đồng, lợi ích và nhiều tiêu chí khác của UNWTO nhằm xây dựng các mô hình, quy trình vận hành đáp ứng theo tiêu chuẩn của UNWTO. Công ty Oxalis đã quyết định tài trợ số tiền là 1 tỷ đồng để thuê công ty tư vấn OneStep (Công ty TNHH Một Bước Việt) có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh để tham gia tư vấn xây dựng các quy trình vận hành, tư vấn xây dựng sản phẩm và các tiêu chí lao động, môi trường, an toàn và các tiêu chí khác, đồng thời tham gia quá trình xây dựng hồ sơ năng lực và nộp hồ sơ dự thưởng lên Tổ chức du lịch thế giới xem xét. Sau gần 6 tháng xem xét hàng trăm hồ sơ từ khắp nơi trên thế giới thì ngày 8 tháng 9 năm 2023, hội đồng thẩm định giải thưởng The Best Tourism Village của UNWTO đã thông báo kết quả thẩm định giải thưởng.

Theo thông báo kết quả từ UNWTO, năm 2023 có 260 làng du lịch từ 60 nước trên thế giới tham gia giải thưởng Làng du lịch tốt nhất của Tổ chức du lịch thế giới UNWTO, trong đó Việt Nam có 4 làng du lịch tham dự từ các tỉnh Quảng Bình, Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình. Trong đó, mô hình Làng du lịch thích ứng thời tiết Tân Hoá của tỉnh Quảng Bình là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn cùng với một số làng khác trên thế giới cho giải thưởng năm nay.

Ngày 19 tháng 10 năm 2023, trong khuôn khổ đại hội lần thứ 25 của Hội đồng cấp cao Tổ chức du lịch thế giới diễn ra tại Samarkand (Uzbekistan), UNWTO đã tổ chức đêm Gala công bố các ngôi làng du lịch đạt giải Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages) năm 2023, trong đó có làng du lịch Tân Hóa vinh dự được xướng tên.

Việc Tân Hoá đạt một giải thưởng danh giá này từ tổ chức du lịch uy tín của thế giới là hành trang vững chắc giúp cho Tân Hoá vững bước ra thế giới và từng bước trở thành trung tâm du lịch trọng điểm vùng tây Bắc Quảng Bình.

Định hướng tương lai Tân Hoá và các vùng lân cận trong tương lai

Làng du lịch Tân Hoá

Sẽ từng bước xây dựng làng du lịch Tân Hoá thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và là mô hình cho khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng với các điều kiện thời tiết, thì đây cũng sẽ là mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Doanh nghiệp hỗ trợ tiếp thị, kinh doanh trong khi cộng đồng tạo thêm giá trị bền vững để cùng nhau phát triển, từng bước hoàn thiện và đa dạng hoá các dịch vụ, trải nghiệm tại Tân Hoá để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía tây bắc Quảng Bình

Tân Hoá được định hình là trung tâm du lịch trọng điểm khu vực Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Tân Hoá sẽ làm đòn bẩy, là động lực để phát triển các hoạt động du lịch cho các địa phương lân cận.

1.Bản Rục - Hung Trâu

Nằm cách Tân Hoá khoảng 30km trên cung đường Hồ Chí Minh. Đây là một trong những điểm du lịch được thí điểm khai thác trong vài năm gần đây với mô hình tham quan tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Người Rục - "một trong 10 tộc người bí ẩn và độc đáo nhất thế giới" do báo chí quốc tế bình chọn. Người Rục đã có hàng trăm năm sinh sống trong hang đá, cuộc sống tập trung vào săn bắn, hái lượm và tinh bột là dùng từ thân cây Đoác, một loại cây lá dừa mọc nhiều ở khu vực này. Với sự phát triển của Tân Hoá sẽ giúp Bản Rục - Hung Trâu từng bước phát triển du lịch.

Di tích khu tưởng niệm trên đỉnh đèo Đá Đẽo: Là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bố Trạch và Minh Hoá, đỉnh đèo Đá Đẽo nằm ở độ cao khoảng 450m so với mức nước biển. Trong những năm chiến tranh, đây là cung đường tiếp tế của quân và dân miền bắc vào chiến trường miền nam. Đây cũng là nơi máy bay Mỹ ném rất nhiều bom đạn nhằm cắt đứt đường tiếp tế. Ngày nay, khu vực này được xây dựng thành một đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Đây cũng là vị trí cao nhất của đỉnh đèo và có khu vực quan sát với tầm nhìn rất xa xuống những cánh rừng bao la. Trong tương lai có thể xây dựng khu tưởng niệm kết hợp với đài quan sát để phục vụ khách thăm viếng và khách tham quan du lịch thưởng ngoạn cảnh đẹp trên đỉnh đèo Đá Đẽo.

2. Hang Lèn cây Quýt - Đình Làng Kim Bảng, Xã Minh Hoá

Hang Lèn Cây Quýt

Hang lèn Cây Quýt nằm cách đình Kim Bảng khoảng 500m; có chiều cao trung bình khoảng 3m; rộng 15,5m; chiều sâu của hang 22m; cửa hang rộng 10m.

Hang lèn Cây Quýt được sử dụng để làm nơi Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ II vào ngày 19/5/1949. Cũng tại hang lèn Cây Quýt tháng 9 năm 1964 đã diễn ra Hội nghị quân chính của sư đoàn 325A an dưỡng để ổn định tổ chức chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Năm 1968, huyện tổ chức mừng công bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của Mỹ trên miền Bắc; Hang lèn Cây Quýt cũng là nơi cất giấu 400 tấn lương thực trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Đặc biệt, hang lèn Cây Quýt vừa là di tích khảo cổ được M. Colani, một nhà khảo cổ học người Pháp thuộc trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội trước đây khai quật và nghiên cứu. Kết quả khai quật và phát hiện ra một số hiện vật mũi nhọn, đục vũm bằng xương và sừng hươu, nai, vỏ sò; những công cụ làm bằng đá đẽo thô sơ không có dấu mài lưỡi, hai công cụ bằng đá có dấu mài hai vệt, những hòn đá sa thạch có dấu khoét vũm, những hòn cuội khác có khắc cành lá hoa thảo, những cục quặng sắt hematite, những mảnh sắt trong đống vỏ sò và những công cụ bằng sắt.

Hang này cũng là nơi các nhà khảo cổ tìm thấy bộ xương đười ươi có niên đại hàng ngàn năm về trước, hiện nay bộ xương đang được trưng bày tại một bảo tàng tư nhân tại Đức.

Đình Làng Kim Bảng

Di tích lịch sử cách mạng đình làng Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt được xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định số 1088/QĐ-UBTTDL ngày 9-7-1999 của UBND tỉnh Quảng Bình. Đình Kim Bảng, hang lèn Cây Quýt với “Quảng Bình quật khởi”, ngày 15 - 7, đã trở thành ngày truyền thống lịch sử của Quảng Bình, trở thành phong trào thi đua vượt qua thử thách trong suốt chặng đường kháng chiến của nhân dân ta.

Đình Kim Bảng được tiến hành xây dựng vào 1924 và hoàn thành vào năm 1925. Đình được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, nền đất, đình gồm có đình Tiền và đình Hậu. Trong thời kỳ chống Pháp đình bị máy bay Pháp bắn cháy, sau đó đình được sửa lại làm trường học và nhà kho quốc phòng. Năm 1966, đình lại bị máy bay Mỹ ném bom Napan cháy toàn bộ. Hiện nay, đình được tỉnh cấp kinh phí khôi phục lại đình trên nền đất cũ của đình làng. Năm 2004, đình được phục hồi và tu bổ, tôn tạo, trở thành một điểm đến ý nghĩa cho du khách và nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ.

Các điểm trên đây cũng có thể xây dựng thành điểm tham quan du lịch cho du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là khi có nhiều khách du lịch đến lưu trú tại Tân Hoá thì bên cạnh các hoạt động du lịch khám phá mạo hiểm thì cũng có những hoạt động tham quan lịch sử, văn hoá cho khách lựa chọn.

3. Hồ Yên Phú

Hồ Yên Phú là một hồ thuỷ lợi địa phương ít người biết đến cho đến khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” đến thực hiện các cảnh quay tại khu vực này. Đây là một hồ cạn có cảnh quan rất đẹp, bao quanh bởi những ngọn núi hùng vĩ, ngôi làng Yên Phú nằm ngay cạnh hồ rất yên bình. Dọc đường đi có nhiều hang hoa đào rừng và cây xoan tỏa bóng, vào mùa xuân thì những cây hoa đào rừng nở rộ làm cho ngôi làng nhỏ trở nên thật đẹp. Hiện nay chưa có nhiều hoạt động du lịch được khai thác tại khu vực này, kỳ vọng với sự phát triển của Tân Hoá sẽ giúp phát triển du lịch khu vực này.

4. Hang Rục Mòn

Hang Rục Mòn trải dài tại 2 xã (xã Trung Hóa, xã Hóa Sơn), huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Rục Mòn là điểm đến mới mẻ nằm trong bản đồ du lịch Quảng Bình. Nơi đây chưa được khai thác du lịch nhiều và được người dân địa phương bảo tồn rất tốt nên vẫn giữ được những nét hoang sơ ấn tượng. Hang động này có cả hang nước và hang khô. Để đến được Rục Mòn, bạn sẽ phải băng qua những cung đường mòn nằm ven các bản làng và vượt qua những tảng đá cao để đến được cửa hang.

Cảnh sắc trước cửa hang Rục Mòn chắc chắn làm du khách như bị “choáng ngợp” với những khối đá lộn xộn to lớn và dòng nước mát lạnh ngay dưới chân. Càng đi sâu vào trong hang, bạn sẽ cảm thấy như đang lạc vào mê cung sâu hun hút. Bao phủ quanh hang động là những núi đá vôi cao sừng sững đã tồn tại hàng trăm triệu năm. Hang Rục Mòn hiện được Công ty GreenLand khai thác hạn chế theo hình thức du lịch mạo hiểm.

5. Phong trào cần vương và di tích của Vua Hàm Nghi tại Hóa Sơn

Theo cứ liệu lịch sử, Hóa Sơn xưa còn có tên gọi khác là thung lũng Ma Rai. Để đến được thung lũng Ma Rai ngày đó, chỉ có duy nhất một con đường độc đạo qua eo Lập Cập hiểm trở.

Tháng 10 - 1885, khi biết tin vua Hàm Nghi đang ở Hương Khê (Hà Tĩnh), quân Pháp tổ chức lực lượng tiến đánh để bắt vua. Đại thần Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi cùng tùy tùng lùi vào Bãi Đức (nay là thôn Tân Đức, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa).

Đến tháng 11 - 1885, đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi từ Bãi Đức về làng Sạt (nay là tiểu khu 3, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa).

Cũng từ đây, Minh Hóa trở thành trung tâm đầu não, là kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương trong cả nước). Từ làng Sạt, vua Hàm Nghi và tùy tùng di giá về xóm Đồng Nguyên (Cổ Liêm, Tân Hóa), rồi về Ba Nương (Xuân Hóa).

Sau một thời gian ở Ba Nương, được tin quân Pháp chuẩn bị tấn công vào đây, các cận thần đã đưa vua Hàm Nghi vượt eo Lập Cập để vào thung lũng Ma Rai, tức Hóa Sơn ngày nay.

Hoá Sơn ngày nay là nơi có cảnh quan đẹp, phù hợp cho phát triển du lịch, đặc biệt là tái hiện lại phong trào Cần Vương tại Hoá Sơn để phục vụ cho việc tham quan tìm hiểu về lịch sử cho người dân cũng khu khách du lịch. Hiện nay chưa có hoạt động du lịch nào được triển khai tại đây.

6. Cổng trời Cha Lo

Cổng Trời – Cha Lo di tích lịch sử thời kỳ chống Mỹ, là điểm huyệt quan trọng của tuyến đường chiến lược 12A thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại ở khu vực xã Dân Hóa, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Từ thành phố Đồng Hới, theo đường mòn Hồ Chí Minh đến ngã ba Khe Ve thì rẽ sang đường 12A đi thêm một đoạn nữa là đến. Cổng Trời Cha Lo nằm tại Km số 34,5 đường 12A, tổng quãng đường khoảng 150 km. Con đường 12 A khá khó đi, nhiều đoạn quanh co, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, bên núi cao, bên vực sâu, nên bạn phải chú ý đi chậm quan sát cẩn thận. Nhưng bù lại bạn có thể ngắm những bản làng dân tộc thiểu số và chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn. Hiện nay khu vực này chưa được đầu tư khai thác các hoạt động tham quan tìm hiểu lịch sử và du lịch.

7. Bản Tà Vờng

Dộ-Tà Vờng là một trong hai bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, sát biên giới Việt - Lào. Đến với Dộ-Tà Vờng sau chặng đường đầy gian nan, phần thưởng thích đáng cho du khách là được chứng kiến mây trắng bồng bềnh ôm lấy bản làng, vờn quanh núi rừng, khe suối như chốn bồng lai tiên cảnh.

Từ trên cao nhìn xuống, những nếp nhà sàn xinh xắn hệt như những nốt nhạc được viết lên “khung nhạc” của núi rừng. Giữa màu xanh thẫm của rừng già, xanh non của lúa rẫy là lớp sương mù bện chặt, cùng bầu không khí trong lành, Dộ-Tà Vờng trở thành một bức tranh tươi đẹp.

Cư dân của bản Dộ-Tà Vờng là người Mày, thuộc dân tộc Chứt. “Mày” - theo tiếng của tộc người anh em này có nghĩa là đầu nguồn con nước. Theo truyền thuyết của người Mày, họ nhận là anh cả của các tộc người khác, thậm chí cả người Kinh ở dưới xuôi.

8. Hệ thống hang động Lâm Hoá - Tuyên Hoá

Tháng 3/2023, Đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh (BCRA) vừa khảo sát vùng núi đá vôi trên địa bàn xã Lâm Hoá (Quảng Bình) và phát hiện hệ thống hang động còn nguyên sơ dài hơn 3,3 km.

Cụ thể, qua quá trình khảo sát bước đầu, đoàn thám hiểm của BCRA đã đo vẽ được 5 hang động còn nguyên sơ gồm: hang Hung Trù 1 dài 1.919m, sâu 11m; hang Hung Trù 2 dài 502m, sâu 25.8m; hang Hung Trù 3 dài 153m, sâu 11.4m; hang Hung Kà Vờng 1 dài 238m, sâu 2.8m; hang Hung Kà Vờng 2 dài 537m, sâu 5m.

Tất cả các hang đều thuộc dạng động ướt, một số hang có nhánh khô với tổng chiều dài 3.349m. Ngoài ra, các chuyên gia còn phát hiện một hang động có chiều dài suối ngầm tương đối lớn nhưng không thể khảo sát hết do chưa chuẩn bị đầy đủ phương tiện hỗ trợ. Đây là các hang động mới cần nghiên cứu tiềm năng du lịch để khai thác một cách phù hợp trong tương lai.

9. Thác Bụt - Yên Hoá

Thác Bụt là một thác nước nằm ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Thác Bụt có chiều cao khoảng 30 mét và rộng khoảng 15 mét. Thác Bụt được tạo thành từ dòng khe Roòn chảy qua các đá vôi kỷ Carbon - Permi. Thác Bụt có tên gọi như vậy vì có nhiều khối đá giống hình tượng bụt. Thác Bụt là một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh của người Nguồn và các dân tộc khác ở Quảng Bình. Hàng năm, vào rằm tháng ba âm lịch, có lễ hội cúng Bụt để cầu tự, cầu tài, cầu lộc. Thác Bụt cũng là một điểm du lịch sinh thái và mạo hiểm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

10. Thác Mơ - Hoá Hợp

Thác Mơ Minh Hóa là một thác nước đẹp và hoang sơ ở Quảng Bình. Thác Mơ nằm ở xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 100km về phía Tây, ngay cạnh đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thác Mơ có chiều cao khoảng 20 mét và rộng khoảng 10 mét. Thác Mơ được tạo thành từ dòng khe Ve chảy qua các đá vôi kỷ Carbon - Permi. Thác Mơ có tên gọi như vậy vì có nhiều khối đá giống hình tượng mơ. Thác Mơ là một địa điểm du lịch sinh thái và mạo hiểm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

The Oxalis Experience.

Bạn sẽ thích

Những chuyến du lịch thám hiểm/mạo hiểm của Oxalis sẽ cung cấp cho bạn cơ hội trải nghiệm đi rừng, vượt núi, đu dây và bơi trong hang ở khu vực Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng hoặc hệ thống hang động Tú Làn. Phần lớn là tour ghép, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nhóm nhỏ cũng như đi một mình.

Trải nghiệm nhẹ nhàng

Tour qua đêm

Tour trọn gói nhiều ngày