Trending: summer tours, caves, swimming, trekking, starry night...

Du lịch việt nam
Thực tại và những xu hướng, thách thức và cơ hội

1. Thực trạng phát triển du lịch Inbound tại Việt Nam

1.1. Tiềm năng và lợi thế của du lịch Inbound Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với địa hình phần lớn là đồi núi (chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ), chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích. Tính trên phạm vi cả nước, địa hình đồng bằng và đồi núi thấp (dưới 1.000 m) chiếm tới 85% diện tích. Với tổng diện tích là 331.212 km2 với diện tích phủ rừng lên đến 42% [1]. Việt Nam có những tài nguyên thiên nhiên quý giá có thể kết hợp bảo tồn và phát triển du lịch thiên nhiên, du lịch thể thao mạo hiểm và các hoạt động khác: Bao gồm [2]: 33 vườn quốc gia; 59 khu dữ trữ thiên niên; 13 khu bảo tồn loài; 9 khu dự trữ sinh quyển; 54 khu bảo vệ cảnh quan.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với nhiều bãi biển, vịnh đẹp mà hiếm có nơi nào trên thế giới có được. Việt Nam được World Travel Awards bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á vào các năm 2018, 2019, 2021 với nhiều điểm đến nổi bật, đã khẳng định thương hiệu trên thế giới như Quảng Bình điểm đến xếp thứ 8/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (New York Times 2014); Vịnh Hạ Long - điểm đến tham quan hàng đầu Châu Á, Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á, Vườn quốc gia Cúc Phương - Công viên quốc gia hàng đầu Châu Á (World Travel Awards 2021); hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch hiện đại và đạt nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới.

Với tiềm năng và lợi thế này, du lịch Việt Nam đã có những sự phát triển nhanh chóng, thu hút được sự quan tâm của khách du lịch quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên Việt Nam chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế mà bất cứ du khách nào trên thế giới cũng muốn đến một lần trong đời. Đây vừa là điểm yếu nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển các loại hình du lịch mới nhằm định vị Việt Nam khác biệt so với các quốc gia láng giềng.

1.2. Thực trạng phát triển các sản phẩm du lịch Inbound tại Việt Nam

Du lịch Việt Nam bắt đầu mở cửa cho khách du lịch quốc tế khoảng từ năm 1991, các loại hình du lịch chủ yếu tham quan danh lam thắng cảnh, văn hoá lịch sử địa phương kèm theo các hoạt động dã ngoại, leo núi không chuyên như Lang Biang (Lâm Đồng) và Fansipan (Lào Cai) và một số địa điểm khác. Đến những năm 2005-2010 thì các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp bắt đầu mở ra để thu hút nhóm khách hạng sang từ Châu Âu, Mỹ và trong khu vực đến nghỉ dưỡng. Cùng thời điểm thì các sản phẩm du lịch đại trà được hình thành như Bà Nà Hills, Cáp treo Vin Pearl và nhiều khu du lịch kết hợp vui chơi nghỉ dưỡng được hình thành và các loại hình này đa số thu hút khách du lịch trong nước và khách Châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc...). Từ 2010 các hoạt động du lịch mạo hiểm, thể thao mạo hiểm như dù lượn, thám hiểm hang động, leo núi, lướt ván và nhiều loại hình mới được hình thành, tuy nhiên chưa được mở rộng cũng như có sự độc đáo riêng nên hầu hết là "sản phẩm nên có" chứ chưa phải là "sản phẩm nên thử một lần trong đời".

Các sản phẩm du lịch văn hoá lịch sử tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á cơ bản khá giống nhau. Từ con người, văn hoá, phong tục tập quán, màu da, trang phục đối với người phương Tây chưa từng đến khu vực thì đối với họ các nước đều na ná giống nhau. Bản thân trang phục truyền thống của Việt Nam là áo dài thì người Việt Nam thì có thể nhận ra một các dễ dàng nhưng nếu muốn phân biệt trang phục truyền thống của các nước khu vực Đông Nam Á thì không phải ai cũng có thể nhận diện được một cách chính xác. Như vậy trong những năm qua Việt Nam đang cạnh tranh rất gắt gao với các quốc gia láng giềng khi đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan văn hoá lịch sử Việt Nam cho khách du lịch phương Tây.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Trong đó, Việt Nam có chỉ số tăng cao nhất là về chính sách visa với 63 bậc (từ vị trí 116 lên 53). Các chỉ số khác được cải thiện so với hai năm trước còn có: Cạnh tranh về giá, từ vị trí 35 lên 22; cơ sở hạ tầng hàng không, từ vị trí 61 lên 50; cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, từ vị trí 113 lên 106.

1.3. Nguồn khách du lịch

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam thì năm 2019 có đến 85 triệu lượt khách du lịch trong nước và 18 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó thể hiện khách Trung Quốc (5.806.425 khách chiếm 32%) và Hàn Quốc (4.290.802 khách chiếm 24%, Nhật (951.962 khách, chiếm 5%), Đài Loan (926.744 khách, chiếm 5%) là chiếm đa số số còn lại là 6.024.067 khách đến từ các nước Mỹ, Anh, Úc, Nga, Pháp, Đức, Singapore, Malaysia, Thái Lan và một số nước khác.

1.4. Các phương thức tổ chức hoạt động du lịch Inbound tại Việt Nam

Ở Việt Nam tồn tại các mô hình du lịch chính đó là B2B (Business to Business) và B2C (Business to Consumers) và mô hình “Du lịch tự do” (Independent Travellers) tồn tại trong nhiều năm nay.

- B2B (Business to Business): Là loại hình du lịch mà phía công ty du lịch ở Việt Nam sẽ xây dựng sản phẩm và chào bán cho các đại lý du lịch khắp thế giới về các gói sản phẩm của mình có. Sau đó các đại lý sẽ tiến hành đi khảo sát thực tế và đồng ý bán theo gói đề xuất. Lúc này các đại lý ở nước ngoài sẽ chi tiền làm quảng cáo bán tour và gom đoàn gửi cho đối tác ở Việt Nam vận hành tour. Với loại hình này thì việc tiếp cận đến khách du lịch và chiến lược tiếp thị là do các "hãng" ở nước ngoài thực hiện là chủ yếu và các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ cần tìm đúng đại lý bán tour phù hợp với loại hình mình hoạt động là đại lý tự kiếm khách và gửi cho mình. Mô hình này thì các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam cơ bản là phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, không tiếp cận được với du khách khi có sản phẩm mới. Việc khách đi du lịch nước nào, đi bao lâu hầu hết phụ thuộc vào đại lý bán tour ở nước ngoài, các công ty ở Việt Nam không phải đi tiếp cận khách hàng hay chi tiền quảng cáo sản phẩm đến thị trường du lịch mục tiêu và điều này sẽ do các đại lý thực hiệu theo mục tiêu kinh doanh của họ. Từ trước tới nay thì mô hình B2B chiếm khoảng gần 80% trên tổng số doanh nghiệp inbound tại Việt Nam.

- B2C (Business to Consumers): Là loại hình công ty có sản phẩm du lịch và tự có chiến lược quảng bá tiếp thị và tiếp cận thị trường khách tiềm năng của mình. Trên cơ sở đó có thể giao dịch trực tiếp với khách du lịch mà không thông qua đại lý trung gian. Loại hình kinh doanh này là rất phù hợp với tình hình hiện nay vì có thể trực tiếp trao đổi với khách du lịch để điều chỉnh sản phẩm, chiến lược kinh doanh phù hợp. Đặc biệt là khi có sản phẩm mới thì việc giới thiệu đến khách du lịch một cách nhanh chóng nhất. Tuy nhiên loại hình kinh doanh này doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn về sản phẩm để có thể cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trên thế giới, đồng thời phải chi những khoản tiền lớn để quảng bá, tiếp thị và tiếp cận khách hàng tại chính nơi họ đang sinh sống. Với thời đại 4.0 và công nghệ cho phép thì việc ngồi tại nhà cũng có thể thực hiện nhiều chương trình quảng bá tiếp cận khách hàng ở các thị trường phương Tây xa xôi mà không cần phải đến đó. Hiện nay tại Việt Nam đang có khoảng 20% doanh nghiệp hoạt động theo mô hình B2C - trong đó có Oxalis Adventure.

- Du lịch tự do (Independent Travellers): Là loại hình du lịch mà khách chỉ đặt vé máy bay đến đất nước họ muốn đến trong khoảng thời gian nhất định, khi đến đó thì họ sẽ tự sắp xếp tuỳ theo các dịch vụ tại chỗ để tham gia. Nhóm khách này thường được nghe đến là du lịch ba lô hay du lịch bụi. Nhóm khách này rất thịnh hành trong 20 năm trở lại đây với đặc thù là điểm đến mới và giá phải luôn luôn rẻ. Nhiều điểm đến mới tại Việt Nam cũng được khách du lịch "tây ba lô" khai thác và giúp quảng bá trước khi chúng được nổi tiếng với khách du lịch trên thế giới như các điểm Ninh Bình, Cát Bà, Phong Nha, Sa Pa, Hà Giang...

1.5. Những khó khăn, thách thức

Với những đặc thù loại hình kinh doanh du lịch của Việt Nam là B2B do đó ngoài việc phụ thuộc vào đối tác gửi khách ra thì khi đại dịch COVID xảy ra sẽ tạo ra một khoảng trống rất lớn cho ngành du lịch. Các nhóm khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan thì chủ yếu đi du lịch theo đoàn, do các công ty du lịch lớn của quốc gia đó liên kết với đơn vị du lịch tại Việt Nam để tổ chức. Một khi điểm đến kém hấp dẫn thì đối tác sẽ hướng khách của họ đi du lịch ở địa điểm khác hay quốc gia khác dẫn đến một lỗ hổng rất lớn của điểm đến sau khi mất thị trường trọng yếu. Cụ thể trong một vài năm qua khi khách Trung Quốc và Nga rời thị trường Nha Trang thì phải mất khoảng thời gian rất dài để Nha Trang có thể cân bằng lại thị trường khách của mình.

Một yếu tố khác, việc thị trường du lịch Việt Nam có tới khoảng 80% là mô hình B2B do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất bị động vì sau COVID thì rất nhiều đại lý du lịch ở Châu Âu và Mỹ phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình khác vì không còn khách du lịch quan tâm đến loại hình du lịch đó nữa hoặc đã phá sản sau thời gian dài dịch bệnh. Hiện nay nếu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các đối tác ở những thị trường trọng điểm thì e rằng rất nhiều đối tác đã đóng cửa hoàn toàn hoặc không còn hoạt động theo mô hình du lịch cũ.

Các loại hình du lịch B2C đang dần phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn để quảng bá nhận thức cho một điểm đến trên truyền thông thế giới, hoặc trực tiếp tiếp cận với khách du lịch để chào bán và lôi kéo họ đến Việt Nam để du lịch. Tuy nhiên để làm được điều này thì doanh nghiệp du lịch cần có nguồn vốn lớn và nhân lực phù hợp để kinh doanh trên thị trường quốc tế đầy cạnh tranh.

Một số thách thức sau COVID là có thể nhiều nhóm sản phẩm du lịch sẽ không còn khách du lịch như: loại hình du lịch dành cho người lớn tuổi và di chuyển qua nhiều quốc gia; loại hình du lịch tự do tây ba lô di chuyển nhiều nước trong cùng một kỳ nghỉ; các mô hình du lịch tham gia đông người có thể sẽ chỉ còn phù hợp cho du khách nội địa và khách đoàn của các nước trong khu vực. Tất nhiên, sẽ xuất hiện các loại hình du lịch khác phù hợp với tình hình mới và Việt Nam cần nghiên cứu để xây dựng các sản phẩm phù hợp, kịp đón đầu những làn sóng du lịch mới hậu COVID.

2. Xu thế du lịch sau COVID

2.1. Xu thế chung của khách du lịch

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định về các xu thế du lịch trong năm 2022, tình hình du lịch vẫn khá bất thường do đại dịch COVID-19 đang diễn ra. Cuộc khủng hoảng đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể đối với tất cả mọi người, và trên hết là đối với du lịch, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Năm 2020 là năm mà du lịch quốc tế gần như đi vào bế tắc, và các lựa chọn thay thế duy nhất là du lịch nội địa và địa phương. Năm 2021 đã chứng kiến một số cải thiện, nhưng chỉ ở một khía cạnh rất nhỏ khi các hạn chế vẫn còn được áp dụng và nhiều quốc gia giữ biên giới của họ đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Rất khó để đưa ra ước tính cho năm 2022 vì chưa biết đại dịch sẽ diễn biến như thế nào. Tuy nhiên, có thể nói về các xu hướng du lịch mới có khả năng xuất hiện trong năm tới:

- Du lịch quốc tế với các hạn chế: vẫn được duy trì bởi cả điểm đến và hãng hàng không nhằm đảm bảo an toàn 100% cho người tiêu dùng.

- Tăng cường xét nghiệm COVID-19: hai năm sau đại dịch, xét nghiệm COVID vẫn sẽ được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa.

- Du lịch có ý thức sẽ được khởi động: Đi du lịch đến các điểm đến xa hơn, nhưng với thời gian lưu trú kéo dài, vì người tiêu dùng muốn tận hưởng càng nhiều càng tốt mỗi nơi họ đến thăm.

- Du lịch xanh: Biến đổi khí hậu là một vấn đề đang diễn ra hiện nay và ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng bây giờ có trách nhiệm hơn nhiều và nhận thức được thực tế họ đang sống hàng ngày. Du lịch xanh là loại hình du lịch thân thiên với môi trường, trải nghiệm thiên nhiên. Các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng đến môi trường mà thông qua hoạt động du lịch này để tái tạo môi trường tốt hơn. Các hoạt động du lịch cắm trại trong rừng nguyên sinh có sử dụng lực lượng lao động địa phương sẽ giúp tái tạo viêc làm cho người dân địa phương vào làm giảm áp lực phá rừng...

- Một xu hướng mới là "Ed-Ventures" (Loại hình du lịch mạo hiểm kết hợp đào tạo kỹ năng): Đó là về việc kết hợp giáo dục và các kỳ nghỉ cho các thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình. Trong khi người lớn có thể cần làm việc từ xa hoặc tham gia các cuộc họp, con cái của họ có thể tham gia hội thảo và học tập một cách vui tươi. Các hoạt động du lịch năng động ngoài trời như đạp xe, leo núi, chèo kayak, chạy bộ hay khám phá hang động kết hợp với việc đào tạo các kỹ năng cần thiết để tham gia du lịch mạo hiểm một cách an toàn hay được huấn luyện các kỹ năng sinh tồn, sơ cấp cứu hay ứng phó khẩn cấp như lũ lụt bất ngờ, cách vượt suối...

Các hoạt động du lịch có thể được khách quốc tế yêu thích bao gồm: Các hoạt động du lịch ngoài trời; kỳ nghỉ dài tại một địa điểm; du lịch theo nhóm nhỏ và tour du lịch riêng; khách có xu hướng chọn những khách sạn nhỏ bên cạnh những khách sạn lớn; du lịch chú trọng vào sức khoẻ; các loại sản phẩm du lịch bền vững; xu hướng sử dụng công nghệ để sắp xếp cho các chuyến du lịch ở những vùng xa xôi một cách dễ dàng.

Năm 2019, có khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế vào Việt Nam, trong đó có hơn 13 triệu khách du lịch thuộc nhóm đại trà theo nhóm (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, và Malaysia). Những thị trường khách này sau COVID vẫn sẽ phụ thuộc vào các công ty du lịch lớn nước bạn sẽ quyết định nguồn khách vào Việt Nam. Trong khi Nhóm còn lại khoảng 5 triệu khách du lịch phương tây có thể đến Việt Nam du lịch dựa vào sở thích và mong muốn của họ mà không phụ thuộc hoàn toàn vào sự sắp xếp của các công ty du lịch lớn.

3. Công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường khách du lịch quốc tế

3.1. Thực tiễn

Hoạt động quảng bá quốc tế du lịch Việt Nam chủ yếu dựa vào các hoạt động hằng năm của Tổng cục Du lịch, trong các hoạt đó bao gồm việc tham dự các hội chợ du lịch lớn của thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tìm đối tác, tổ chức các chương trình roadshow tại các thị trường chiến lược để giúp các doanh nghiệp kết nối và hợp tác với nhau. Ngoài ra, những năm gần đây cả Tổng cục Du lịch cũng như các Sở Du lịch các địa phương cũng chủ động tổ chức xúc tiến và quảng bá du lịch ra thế giới. Cụ thể là Hà Nội đã chi những khoảng tiền lớn để quảng bá trên kênh CNN hay Quảng Bình thực hiện nhiều hoạt động quảng bá tầm thế giới trong những năm gần đây.

Vì đặc thù của du lịch Việt Nam là B2B do đó các hoạt động quảng bá và xúc tiến của Tổng cục Du lịch cũng xoay quanh các chủ đề xúc tiến hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong những năm qua. Các hoạt động quảng bá nhận thức điểm đến có đầu tư nhưng không đáng kể trong những năm gần đây. Vì những lý do này nên rất nhiều khách du lịch trên thế giới biết về Việt Nam một cách mơ hồ, thậm chí có những người còn nghĩ Việt Nam đang còn chiến tranh.

Ở các nước du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan thì họ phân định ra các nhiệm vụ rất rõ ràng. Ở cấp Chính phủ thì họ có Tổng cục Du Lịch (TAT) chuyên thực hiện các nhiệm vụ quảng bá "nhận thức điểm đến" tầm quốc gia, nhiệm vụ của TAT là làm sao để người dân ở các thị trường các nước mục tiêu thường xuyên nghe về một Thái Lan hấp dẫn, thường xuyên được xem những hình ảnh, video về đất nước Thái Lan và thường xuyên đọc được những thông tin cập nhật mới nhất về du lịch Thái Lan. Một khi đã tạo được nhận thức về điểm đến rồi thì các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ tự tìm đến các diễn đàn, hội chợ du lịch để kết nối và hợp tác với nhau. Một thực tế là Thái Lan không trông chờ các đại lý hay đối tác nước ngoài chi tiền quảng bá nhận thức điểm đến cho họ, thay vào đó TAT đã chi nhiều tiền để quảng bá đến khách du lịch tại thị trường tiềm năng và tạo ra các nhu cầu của khách du lịch, từ đó các công ty hay đại lý du lịch sẽ xây dựng sản phẩm và tiếp cận khách hàng. Ở Thái Lan việc quản lý nhà nước về du lịch là thuộc bộ Thể Thao và Du lịch, là một cơ quan quản lý nhà nước khác với TAT.

Tại Việt Nam thì Tổng cục Du lịch (VNAT) là vừa thực hiện công tác quản lý nhà nước về du lịch vừa thực hiện nhiệm vụ quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia. Theo tạp chí Forbes (năm 2016) đánh giá mức đầu tư 2 triệu USD của Việt Nam cho xúc tiến du lịch chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73). Những năm gần đây thì Hà Nội và một số địa phương khác chủ động đầu tư quảng bá trên truyền thông quốc tế như CNN và một số kênh khác.

Với nguồn ngân sách đầu tư cho quảng bá du lịch quốc gia ra thế giới hạn hẹp như hiện nay thì Việt Nam khó có thể giới thiệu những hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam đến với các thị trường tiềm năng được. Khi không thể tạo ra nhận thức rằng có một đất nước Việt Nam xinh đẹp bạn cần đến du lịch thì sẽ không tạo ra nhu cầu du lịch đến Việt Nam được. Trong khi đó các nước lân cận thì thực hiện rất nhiều kênh để tiếp cận khách du lịch hàng ngày.

Riêng tại Việt Nam, theo thông tin trên báo VNExpress ngày 3/2/2017 thì mặc dù thương hiệu Vinamilk ở Việt Nam gần như ai cũng biết, tuy nhiên để bảo đảm tạo ra nhận thức của người tiêu dùng về thuơng hiệu Vinamilk thường xuyên thì mỗi ngày Vinamilk đã chi gần 25 tỷ đồng để thực hiện các chiến dịch quảng cáo từ mức độ nhận thức cho đến chuyên sâu về thương hiệu để một khi có nhu cầu mua sữa thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến Vinamilk. Phương pháp này đang được các nước có nền du lịch phát triển áp dụng.

3.2. Những thách thức

Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và văn hoá, tuy nhiên với những hạn chế tồn động trong nhiều năm sẽ khiến tốc độ phục hồi và phát triển của du lịch Việt Nam khó bắt kịp các nước láng giềng. Một số hạn chế dưới đây có thể là thách thức lớn cho du lịch Việt Nam trong quá trình phục hồi cũng như phát triển trong thời kỳ hậu COVID.

- Sản phẩm du lịch: Mặc dù Việt Nam có rất nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá tuy nhiên việc vận dụng những tài nguyên để tạo ra những sản phẩm du lịch là chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới. Các loại hình sản phẩm du lịch thể thao ngoài trời, trên không, dưới nước chuyên nghiệp chưa có khung pháp lý rõ ràng hay khuyến khích phát triển cũng là rào cản để Việt Nam có thêm những sản phẩm độc đáo, đa dạng hơn so với những sản phẩm du lịch truyền thống tồn tại nhiều năm nay.

- Mô hình kinh doanh du lịch inbound: Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B và phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài về chiến lược marketing cũng như giới thiệu điểm đến hay sản phẩm. Điều này hạn chế rất nhiều trong khâu tiếp cận khách hàng cũng như giới thiệu đến cho họ những sản phẩm mới hay những điểm độc đáo của Việt Nam mà các đối tác hay đại lý nước ngoài không giới thiệu hoặc không muốn giới thiệu. Việt Nam cần có nhiều công ty du lịch hoạt động theo mô hình B2C để chủ động thị trường và tiếp cận đến đối tượng khách du lịch để giới thiệu và mời gọi họ đến Việt Nam. Mô hình kinh doanh du lịch inbound Việt Nam cần tăng tỷ lệ B2C lên khoảng 50% thị phần nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào thị phần B2B đồng thời tăng cường khâu quảng bá trực tiếp từ khách du lịch của nhóm B2C.

- Quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới: Hiện nay với nguồn ngân sách rất hạn hẹp cho hoạt động quảng bá quốc tế của ngành du lịch Việt Nam cũng là thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước trong khu vực. Việc duy trì mô hình xúc tiến (tham gia hội chợ, tổ chức roadshow...) hiện nay chỉ tiếp cận được chủ yếu là các đại lý bán vé máy bay, các công ty, các đại lý du lịch tại các thị trường mục tiêu. Trong khi việc quảng bá tạo nhận thức về điểm đến cho người dân ở thị trường mục tiêu thì đang rất hạn chế dẫn đến số người biết về một đất nước Việt Nam năng động, tươi đẹp còn quá ít.

3.3. Những cơ hội

- Về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá: Đại dịch COVID có thể kéo dài hơn 2 năm và rất nhiều người đã phải cách ly, ngồi trong nhà một thời gian dài do đó nhu cầu được đi du lịch nhất là trải nghiệm thiên nhiên sẽ rất lớn. Với lợi thế có tài nguyên thiên nhiên phong phú, Việt Nam có thể kết hợp vừa bảo tồn và khai thác các sản phẩm du lịch liên quan đến thiên nhiên sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận du khách thế giới theo một khía cạnh mới. Bên cạnh đó, Việt Nam có những giá trị văn hoá đặc sắc có thể giới thiệu đến khách du lịch bằng các sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo mới mang đậm chất Việt Nam.

- Sự tham gia của các tập đoàn lớn: Trong những năm gần đây Việt Nam có nhiều tập đoàn trong nước và quốc tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch vận dụng sức mạnh tài chính, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn để cùng nhau giới thiệu một Việt Nam mới đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới thay vì phải thông qua các đại lý hay đối tác nước ngoài như hiện nay.

- Sự dịch chuyển của du lịch thế giới: Sau đại dịch COVID-19 thì có nhiều loại hình du lịch truyền thống biến mất và nhường chỗ cho các loại hình du lịch mới thay thế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam cũng như các nước khác nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, và có cách tiếp cận mới để thu hút du khách đến Việt Nam.

4. Thực tiễn từ hoạt động của Oxalis Adventure

4.1. Hoạt động du lịch inbound của Oxalis Adventure

Oxalis Adventure (Công ty TNHH MTV Chua Me Đất) là công ty 100% vốn đầu tư trong nước thành lập từ tháng 6/2011 tại Quảng Bình. Oxalis là công ty du lịch đặc thù và không giống với nhiều công ty du lịch hiện nay đang hoạt động tại Việt Nam: a) Oxalis tập trung và đầu tư chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch thám hiểm hang động, trải nghiệm thiên nhiên theo nhóm nhỏ, b) Nhằm tập trung nguồn lực và chuyên môn do đó Oxalis tạo ra sản phẩm riêng và tự đầu tư và khai thác, c) Oxalis tập trung vào một loại hình du lịch mà không mở đại trà nhiều loại hình du lịch khác. Các sản phẩm du lịch nổi thế giới của Oxalis có thể kể đến bao gồm "thám hiểm Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới". Khám phá Hang Én, Hang Va, Tú Làn, Hang Tiên, trong đó Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới là sản phẩm đẳng cấp thế giới và được các tạp chí du lịch quốc tế bình chọn là một trong những sản phẩm du lịch đáng trải nghiệm nhất trên thế giới. Trước COVID (trước năm 2020) thì Oxalis đón khoảng 10.000 đến 15.000 lượt khách du lịch mỗi năm trong đó có 80% là khách du lịch quốc tế và 20% là khách du lịch trong nước. Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 đến nay thì toàn bộ khách quốc tế đóng băng và chỉ còn khách du lịch trong nước tham gia tour.

Oxalis Adventure hiện sử dụng khoảng 500 lao động làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp, trong đó có 150 nhân viên và chuyên gia kỹ thuật toàn thời gian và khoảng 350 nhân viên khuân vác (porter) người địa phương chuyên mang vác hành lý, nấu ăn và phục vụ khách du lịch trong các tour mà công ty vận hành. Do đặc thù là công ty du lịch có hoạt động kỹ thuật chuyên sâu do đó công ty đã giữ lại toàn bộ 100% nhân sự trong suốt 2 năm COVID vừa qua. Năm 2020 mặc dù là năm đầu tiên bùng phát dịch nhưng chỉ sau 2 tháng thì toàn quốc đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên người Việt Nam lúc đó không thể di du lịch nước ngoài nên các tour du lịch khám phá và trải nghiệm thiên nhiên của Oxalis trở nên hút khách hơn bao giờ hết. Năm 2021 thì tình hình dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn do đó thời gian hoạt động trong năm rất ít khiến doanh số và lượng khách giảm 50% so với năm 2020. Giữa tháng 10 năm 2021 khi tình hình dần ổn định trở lại thì Oxalis Adventure là đơn vị du lịch đầu tiên trong nước được cấp phép thực hiện tour khép kín đón khách từ các địa phương khác đến Quảng Bình. Tính đến cuối tháng 11/2021 thì tình hình du lịch của Oxalis đang có tín hiệu khả quan khi mỗi tháng có 15 đoàn khách tham gia tour trọn gói, khép kín. Trong khi lượng khách đặt tour Sơn Đoòng năm 2022 đã đạt 80% và chỉ vài tháng tới đây thì toàn bộ số chỗ của năm 2022 sẽ được đặt hết. Với chiến lược là tập trung khai thác chuyên sâu một loại hình, một địa phương. Các nhóm khách được bố trí theo nhóm nhỏ an toàn, hầu hết thời gian là trải nghiệm trong rừng và hang động tự nhiên và ít tiếp xúc với cộng đồng do đó mô hình của Oxalis đã được nhiều du khách trong nước yêu thích và trụ vững sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19.

4.2. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đến các thị trường khách du lịch quốc tế

Với mục tiêu phát triển trở thành công ty du lịch mạo hiểm hàng đầu tại Châu Á, góp sức đưa Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm của Châu Á, ngay từ năm 2013, Công ty đã tập trung các hoạt động truyền thông với nhiều phương thức đa dạng, nội dung phong phú, hình ảnh nổi bật đến các thị trường khách du lịch trọng điểm trên thế giới, trong đó cái tên đã làm bùng nổ truyền thông thế giới đồng thời là nền tảng để ghi tên Quảng Bình vào "bản đồ du lịch thế giới" và mang du lịch Quảng Bình, du lịch Việt Nam ra thế giới lại chính là Hang Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới được phát hiện và khảo sát năm 2009 và được tạp chí National Geographic và BCRA công bố là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới năm 2010. Ngày 27 tháng 7 năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình ký quyết định cho phép Oxalis khai thác thử nghiệm tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới” từ ngày 01 tháng 08 năm 2013. Tuyến du lịch đã được UBND tỉnh Quảng Bình xác định là tuyến du lịch mang đẳng cấp thế giới, là nền tảng để quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch quanh khu vực Sơn Đoòng. Việc đưa thương hiệu Sơn Đoòng trở thành tour du lịch đẳng cấp thế giới sẽ mang lại hiệu ứng quảng bá cho Quảng Bình rất lớn, thu hút số lượng lớn du khách nước ngoài đến với Quảng Bình.

Kể từ khi đưa Sơn Đoòng vào khai thác du lịch, Oxalis đã tiến hành mời nhiều nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế đến chụp ảnh và quay phim để phục vụ cho mục đích quảng bá. Một trong những nhiếp ảnh gia đã cùng Oxalis mang những bức ảnh đẹp nhất của Sơn Đoòng đến với công chúng là Ryan Deboodt, một nhiếp ảnh gia người Mỹ.

Đặc biệt, vào năm 2015, Công ty đã thực hiện thành công chương trình phát sóng trực tiếp Good Morning America của đài ABC News, chương trình đã tiếp cận đến hơn 60 triệu người xem trên toàn cầu và gây tác động lớn đến ngành du lịch Việt Nam với bạn bè thế giới.

Năm 2016, Oxalis tổ chức chuyến khám phá Sơn Đoòng thành công cho các đại sứ của những nước có nguồn khách du lịch lớn đến Việt Nam, tạo hiệu ứng tốt cho phát triển du lịch cũng như tạo niềm tin cho khách du lịch. Cũng trong năm 2016 Oxalis đã giới thiệu thành công và trở thành đối tác của hãng phim Legendary trong dự án quay phim Kong: Skull Island tại Quảng Bình. Đặc biệt, lần đầu tiên Sơn Đoòng được chính thức quảng bá đến gần 100 nhà sản xuất phim, đạo diễn, giám đốc bối cảnh ngay tại kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood năm 2019. Cũng trong năm 2019, lần đầu đầu tiên Oxalis hợp tác với DJ nổi tiếng thế giới Alan Walker thực hiện video ca nhạc mang tên Alone P.II thực hiện tại Sơn Đoòng và đến nay đã có trên 215 triệu lượt xem trên thế giới. Thông qua các hoạt động truyền thông và quảng bá của Công ty Oxalis, Hang Sơn Đoòng đã được rất nhiều tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới bầu chọn xuất sắc:

- Năm 2010: Tạp chí National Geographic và BCRA công bố Hang Sơn Đoòng là hang tự nhiên lớn nhất thế giới, với thể tích là 38.5 triệu m3.

- Năm 2014: Tờ New York Times bình chọn Sơn Đoòng đứng thứ 8 trong 52 điểm đáng đi du lịch nhất năm 2014.

- Năm 2014: Tạp Chí National Geographic Adventure UK bình chọn tuyến du lịch Sơn Đoòng là tuyến du lịch mạo hiểm đẳng cấp thế giới.

- Năm 2015: Tổ chức kỷ lục thế giới Guiness công nhận Sơn Đoòng là hang lớn nhất thế giới.

- Năm 2019: Đài truyền hình Dave TV của Anh bình chọn thám hiểm Sơn Đoòng đứng thứ 5 trên 20 cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất hành tinh.

- Năm 2019: Tạp chí du lịch hàng đầu của thế giới Telegraph (Vương quốc Anh) bình chọn Sơn Đoòng là một trong 11 địa điểm tuyệt vời nhất trên thế giới.

Ngày nay, sản phẩm du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” là sản phẩm du lịch nổi bật mang đẳng cấp quốc tế, hình ảnh đặc trưng cho du lịch Quảng Bình và là một trong những thương hiệu du lịch quốc gia nổi bật của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Hiệu ứng từ Hang Sơn Đoòng cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Bình, giúp người dân địa phương có công ăn việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà. Đặc biệt Hang Sơn Đoòng còn góp phần quảng bá thúc đẩy và thu hút các nhà đầu tư lớn đến Quảng Bình như FLC, Vingroup… và nhiều nhà đầu tư lớn khác.

5. Những đề xuất để phục hồi và tăng trưởng du lịch Việt Nam hậu COVID-19

5.1. Định vị, định hình du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới: Với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá thì Việt Nam cần định vị lại vị thế và thế mạnh du lịch của Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: Văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng. Một khi đã có những lĩnh vực then chốt thì Việt Nam sẽ dễ dàng quy hoạch và mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nghề đến để tạo ra những sản phẩm độc đáo, đi đầu và dẫn đầu xu thế của thế giới.

5.2. Cơ chế quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới: Việt Nam cần có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp với các xu thế công nghệ hiện nay. Đầu tư một khoản tiền tương xứng để ngành du lịch chi tiêu trong việc quảng bá nhận thức điểm đến tại các thị trường mục tiêu nhằm tạo ra nhu cầu du lịch để giúp các doanh nghiệp du lịch bán được sản phẩm của họ đến khách hàng. Ở các nước phương tây họ có thu thuế lưu trú từ khách du lịch để phục vụ những lợi ích chung của khách du lịch bao gồm công tác quảng bá. Ở Việt Nam cũng có thể áp dụng hình thức trích 5-10% kinh phí từ các nguồn thu tham quan danh lam thắng cảnh trên toàn quốc để tạo một phần ngân sách phục vụ cho công tác quảng bá một cách bài bản. Một khi công tác quảng bá được thực hiện tốt thì khách du lịch sẽ yên tâm và mạnh dạn đến Việt Nam du lịch.

5.3. Những hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch: Hiện nay, những chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp du lịch của Chính phủ đang rất tốt và kịp thời. Tuy nhiên từ cấp chính phủ đến địa phương a) cần tạo ra các quy chế liên quan đến hoạt động du lịch một cách đồng bộ, thuận lợi giúp cho du lịch hồi phục trở lại. Việc nhiều địa phương đưa khách là F1 đi cách ly tập trung và áp dụng những quy định ngặt nghèo cho dù khách du lịch đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin khiến khách du lịch rất rụt rè khi quyết định di du lịch; b) Đề nghị chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đầu tư ngân sách lớn hơn trong việc quảng bá tạo nhận thức điểm đến tới khách du lịch tại các thị trường chiến lược, thị trường tiềm năng nhằm giúp cho các doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận và mời gọi khách đến Việt Nam.

5.4. Huy động các nguồn lực để phát triển du lịch: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và để phát triển cần có sự đồng bộ hóa về hạ tầng kỹ thuật, chính sách phát triển của du lịch và các ngành nghề liên quan đặc biệt là ngành dịch vụ và các ngành kinh tế bổ trợ. Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển du lịch để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch; quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm du lịch lớn trong cả nước; ưu tiên phát triển du lịch tại các địa phương phù hợp với lợi thế của từng tỉnh, thành phố trong chiến lược phát triển chung của điểm đến du lịch Việt Nam để mỗi địa phương có các sản phẩm du lịch đặc trưng, đẳng cấp và thương hiệu được khẳng định trên thị trường thế giới, tạo ra các vùng du lịch phát triển với các hạt nhân tiêu biểu để cạnh tranh với các nước trong khu vực, thu hút khách du lịch quốc tế.

5.5. Tạo thuận lợi trong chính sách visa du lịch: Việt Nam vẫn là nước được du khách nước ngoài đánh giá là thủ tục visa du lịch còn nhiều khó khăn, thời hạn visa du lịch ngắn và khách buộc phải xuất cảnh mới có thể gia hạn visa gây nhiều phiền hà cho khách du lịch dài hạn. Chính sách miễn visa hiện nay của Việt Nam đang được triển khai áp dụng cho một số nước tuy nhiên với thời gian miễn visa 15 ngày thì cũng chưa thể tạo được lợi thế lớn. Xu thế sau Covid sẽ có rất nhiều người chuyển công việc từ làm tại văn phòng chuyển qua làm trực tuyến, do đó rất nhiều người có nhu cầu qua Việt Nam vừa du lịch vừa làm việc trực tuyến do đó nhu cầu lưu trú thời gian dài ở Việt Nam sẽ tăng. Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn trong việc cấp visa điện tử cho khách du lịch, trong đó có thể áp dụng nhiều loại visa có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng và cho phép gia hạn trong nước để tạo sự thu hút nhóm du khách "workation" vừa làm việc vừa du lịch và nhóm "digital nomard" là nhóm người chuyên làm việc trực tuyến và không cần đến văn phòng làm việc mỗi ngày./.

[1] (Báo Nhân dân ra ngày 3/11/2020 với tiêu đề: Hệ số che phủ rừng của Việt Nam đạt 42%, cao hơn mức bình quân của thế giới)

[2] Theo Tổng cục Môi Trường ngày 1/1/2020 (http://vea.gov.vn/)

Ngày 25 tháng 12 năm 2021
Nguyễn Châu Á - Tổng giám đốc Oxalis Adventure.

Bạn sẽ thích

Những chuyến du lịch thám hiểm/mạo hiểm của Oxalis sẽ cung cấp cho bạn cơ hội trải nghiệm đi rừng, vượt núi, đu dây và bơi trong hang ở khu vực Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng hoặc hệ thống hang động Tú Làn. Phần lớn là tour ghép, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nhóm nhỏ cũng như đi một mình.

Trải nghiệm nhẹ nhàng

Tour qua đêm

Tour trọn gói nhiều ngày