Trending: summer tours, caves, swimming, trekking, starry night...

CBT - Du Lịch Dựa Vào Cộng Đồng ở Việt Nam

Nguồn gốc của Community Based Tourism (CBT)

Khái niệm CBT có lịch sử lâu dài và nguồn gốc của nó có thể bắt nguồn từ những năm 1960 - 1970 khi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc (LHQ) và các cơ quan viện trợ khác bắt đầu thực hiện bắt tay vào các dự án phát triển cộng đồng quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển. Sau này, sự tham gia của cộng đồng địa phương dần dần nổi lên như một mô hình phát triển cộng đồng mới, và nó trở thành một trong những chủ đề chính trong phát triển cộng đồng trong suốt những năm 1990. Đồng thời, những năm 1970 chứng kiến sự trỗi dậy của quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng (CBNRM) được thành lập dựa trên ý tưởng rằng, sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương là rất quan trọng để bảo tồn môi trường ở các nước đang phát triển. Trong CBNRM, người ta tin rằng các thành viên cộng đồng sẽ đánh giá cao hơn và quản lý môi trường tốt hơn bằng cách tự mình kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên xung quanh và thu được lợi nhuận thông qua việc bảo tồn các tài nguyên đó. Sự chuyển đổi mô hình này sang phát triển có sự tham gia và CBNRM thể hiện một bước ngoặt trong hùng biện, trong nghiên cứu phát triển và nghiên cứu môi trường, từ cách tiếp cận từ trên xuống đến từ dưới lên.

Mặt khác, phải đến những năm 1980, khi những tác động tiêu cực của du lịch ngày càng lộ rõ, ngành du lịch mới bắt đầu đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng. Trong tài liệu, Peter E. Murphy được coi là một trong những người tiên phong của CBT. Công trình nghiên cứu sâu sắc của ông năm 1985 đã có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển nghiên cứu CBT. Trong cuốn sách của mình, Murphy (1985) coi du lịch là “một ngành công nghiệp cộng đồng” và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định và lập kế hoạch. Một số điểm có thể được nêu ra liên quan đến sự cần thiết của sự tham gia của cộng đồng trong việc ra quyết định về du lịch. Đầu tiên, du lịch được tạo ra không chỉ bởi những người trong ngành du lịch mà còn bởi những người sống trong khu du lịch. Thứ hai, chính cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự phát triển du lịch và nhận được cả những tác động tích cực và tiêu cực của du lịch. Tuy nhiên, các nghiên cứu điển hình được đưa ra thảo luận vào thời đó chủ yếu là các cộng đồng ở các nước phát triển, và cần lưu ý rằng bối cảnh của các nước đang phát triển thường không được xem xét sâu sắc trong các tài liệu về phát triển du lịch.

Định nghĩa về CBT

CBT đã trở thành “một thuật ngữ chung” (Mitchell & Ashley, 2010), và nó “có nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau” (Kiss, 2004, trang 232). Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý rằng sự tham gia của cộng đồng địa phương là ý tưởng trọng tâm của CBT (Mitchell & Ashley, 2010; Lucchetti & Font, 2013; Telfer & Sharpley, 2016). Định nghĩa đơn giản nhất về CBT dường như là của Asker et al. (2010, tr. 2), là du lịch “do cộng đồng quản lý và làm chủ, vì cộng đồng”. Tương tự như vậy, Goodwin và Santilli (2009, trang 4) định nghĩa du lịch là “du lịch do cộng đồng sở hữu và/hoặc quản lý và nhằm mục đích mang lại lợi ích cộng đồng rộng hơn”. Trong những định nghĩa này, cộng đồng được mô tả như một tác nhân duy nhất có toàn quyền kiểm soát du lịch. Mặt khác, Spenceley (2008, trang 288) đưa ra một định nghĩa đặt ra mức độ tham gia khác. Về bản chất, du lịch “nằm trong một cộng đồng” và “được sở hữu [hoặc quản lý] bởi một hoặc nhiều thành viên cộng đồng”. Theo định nghĩa này, CBT không dựa trên sự kiểm soát của toàn thể cộng đồng. Hơn nữa, một số nhà nghiên cứu cho rằng có sự tham gia của các tác nhân bên ngoài trong việc sở hữu và quản lý CBT (Mtapuri & Giampiccoli, 2016; Dodds et al., 2018). Từ quan điểm này, CBT có thể bao gồm “một liên doanh giữa cộng đồng [hoặc các thành viên của cộng đồng],… và một đối tác kinh doanh bên ngoài” (Ping, n.d., trang 6). Do đó, CBT đã được thực hiện khác nhau tùy theo dự án. Chúng bao gồm các chương trình do cộng đồng sở hữu hoàn toàn, các sáng kiến do hợp tác xã hoặc hiệp hội cộng đồng quản lý, doanh nghiệp do các cá nhân trong cộng đồng điều hành và doanh nghiệp được chia sẻ với người ngoài (Zapata và cộng sự, 2011; Lucchetti & Font, 2013; Dodds et al. , 2018). (Theo sách The Routledge Handbook of Community-Based Tourism Management.)

CBT hình thành tại Việt Nam

Du lịch cộng đồng đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 3 thập kỷ nay với nhiều chương trình hỗ trợ từ trung ương đến địa phương, hay sự tiếp sức của các tổ chức phi chính phủ.

Trải qua chặng đường đó, mô hình du lịch này đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề và tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.

Giai đoạn 2015-2020 là quãng thời gian hoạt động du lịch cộng đồng phát triển sôi động và thu hút sự quan tâm ở rất nhiều địa phương. Tính đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. (Theo https://www.vietnamplus.vn/du-lich-cong-dong-viet-nam-phat-trien-huong-nao-trong-boi-canh-moi/682980.vnp)

Du lịch cộng đồng trong tiếng Anh được gọi là Community-Based Tourism - CBT. và CBT tại Việt Nam được định nghĩa như sau:

  • Du lịch cộng đồng là một mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
  • Xét về bản chất, du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung, thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh, văn hoá,…). Mô hình du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương. Ngoài ra, mô hình du lịch bền vững này góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương. (Theo https://vietnamtourism.gov.vn/post/29392).
  • Trên thực tế có rất nhiều tổ chức phi chính phủ có nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ cho các chương trình phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam trong những năm qua như GIZ, Helvetas và nhiều tổ chức khác trong và ngoài nước.
  • Hiện nay cũng khá nhiều người hiểu CBT theo cách; Người dân làm chủ, người dân tham gia và người dân hưởng lợi. Và từ đó rất nhiều chương trình du lịch cộng đồng được xây dựng lấy cộng đồng làm nền tảng cốt lõi để phát triển du lịch tại nhiều địa phương ở Việt Nam trong những năm qua.

Mô hình Homestay

Homestay là một hình thức lưu trú của khách du lịch tại nhà của người dân, theo hình thức lưu trú này thì người dân địa phương chia sẻ nơi ở của họ với du khách và du khách được trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống của chủ nhà cũng như cộng đồng xung quanh trong thời gian lưu trú. Mô hình homestay dành cho khách du lịch ở phương tây là rất phổ biến, đồng thời cũng được các trường đại học liên kết cho sinh viên nước ngoài lưu trú tại nhà dân trong thời gian học tập tại các trường. Việc này sẽ giúp cho sinh viên nhanh chóng hoà đồng với cuộc sống địa phương cũng như hiểu thêm về văn hoá tại nơi họ theo học.

Tại Việt Nam, homestay cũng là hình thức của du lịch cộng đồng, tuy nhiên cách thức ứng dụng mô hình homestay có hơi khác so với homestay ở phương tây. Rất nhiều mô hình homestay ở Việt Nam là xây mới và chỉ dành cho khách du lịch và khách không chia sẻ không gian sinh sống của chủ nhà như ở các nước phương tây. Những mô hình này nếu gọi cho đúng bản chất thì đây là "cơ sở lưu trú" quy mô nhỏ thay vì gọi là homestay. Tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, có hơn 100 cơ sở lưu trú quy mô nhỏ từ 3 phòng đến 15 phòng và hầu hết đều được gọi là homestay.

Vì sao loại hình CBT chưa thực sự phát triển một cách bền vững?

Nguồn gốc của CBT được phát triển tại các vùng nông thôn của các nước phát triển nhiều năm về trước khi người ta nhận thấy có nhiều tác động tiêu cực đến từ du lịch do đó cần có sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch. Những điểm cốt lõi của CBT bao gồm cộng đồng làm chủ, cộng đồng tham gia và cộng đồng hưởng lợi,… Mô hình CBT xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 1990 và phát triển nhiều từ những năm 2010 đến nay. Cách hiểu và cách phát triển CBT cũng theo các tiêu chí cộng đồng làm chủ, cộng đồng tham gia và cộng đồng hưởng lợi, tuy nhiên cùng một khái niệm nhưng các mô hình CBT ở các nước phát triển thì hoạt động rất hiệu quả và bền vững, ngược lại, các mô hình CBT tại Việt Nam thường hoạt động rất năng nổ trong thời gian đầu có dự án tài trợ nhưng mai một dần theo thời gian và CBT trở nên kém hiệu quả.

Hầu hết các mô hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam là theo hình thức xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng và thành lập hợp tác xã để quản lý và vận hành hệ thống hoặc thiết lập tổ du lịch cộng đồng tự làm và tự hưởng lợi. Mô hình hợp tác xã ở Việt Nam đã có từ lâu đời, từ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nhiều mô hình khác và chủ yếu làm theo hình thức tự cung tự cấp. Mô hình hợp tác xã dần mai một khi xã hội phát triển và cơ cấu kinh tế, xã hội thay đổi.

Vì sao mô hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam chưa thực sự thành công và phát triển bền vững?

Cơ cấu bộ máy

Các nước phát triển đặt yêu cầu đối với du lịch cộng đồng là phải do người dân trong cộng đồng sở hữu, cộng đồng vận hành và cộng đồng hưởng lợi. Những mô hình CBT ở các nước phát triển thành công là nhờ bộ máy của ban điều hành của CBT có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để vận hành một bộ máy du lịch cộng đồng hiệu quả. Có thể nói rằng, trình độ hiểu biết của người dân ở các khu vực này rất cao, họ nắm bắt được công nghệ và kiến thức làm du lịch một cách bài bản.

Trong khi tại Việt Nam, CBT được triển khai tại các mô hình du lịch cộng đồng thông qua hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các chương trình hỗ trợ trong và ngoài nước cũng đặt ra yêu cầu CBT là người dân làm chủ, người dân tham gia và người dân hưởng lợi. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa những người làm du lịch cộng đồng ở các nước đã phát triển và những người làm du lịch cộng đồng tại các nước đang phát triển. Đa số những người làm du lịch cộng đồng tại Việt Nam là những nông dân thực thụ, từ trước tới nay, họ chỉ chuyên tâm làm nông và làm tốt công việc hàng ngày. Còn khi đặt lên vai những người nông dân với vai trò mới của một người làm du lịch, họ gặp rất nhiều khó khăn để làm quen và làm thuần thục trong một vai trò mới.

Các mô hình du lịch cộng đồng CBT tại Việt Nam chủ yếu hình thành bộ máy hợp tác xã (HTX) du lịch động đồng và xã viên là các hộ dân có tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, hoặc mô hình khác là tổ du lịch cộng đồng tự quản, mô hình này không thành lập pháp nhân và các hộ thống nhất với nhau cách làm và thường thì hộ dân đầu tiên làm du lịch sẽ điều phối hoạt động của cả cộng đồng.

Sản phẩm

Có nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng là xây dựng dựa trên cuộc sống và văn hoá của chính người dân bên trong cộng đồng đó và mang ra giới thiệu cho khách du lịch. Các công ty du lịch dựa vào những sản phẩm du lịch của cộng đồng để xây dựng lên gói tour để bán cho khách hay giới thiệu cho đối tác nước ngoài để họ bán cho khách. Các sản phẩm du lịch cộng đồng thường có chung những đặc điểm như tái hiện lại văn hoá, truyền thống của người dân, tổ chức văn nghệ dân gian hay các mô hình phong tục của địa phương, mô hình homestay rồi các hoạt động khác xoay quanh ngôi làng. Điều này thực sự không tạo được điểm nhấn độc đáo khiến du khách cảm thấy xứng đáng khi phải bỏ tiền ra để di chuyển từ một nơi xa xôi đến để trải nghiệm.

Đối tác liên kết và thị trường

Các mô hình du lịch cộng đồng ít khi có thể tự thân để thực hiện các chiến dịch quảng bá, tiếp thị lớn nhằm thu hút khách đến cộng đồng của mình để du lịch, một phần vì năng lực không có. Ngoài ra, cũng không có nguồn kinh phí để thực hiện. Do đó, các mô hình CBT chủ yếu dựa vào các công ty du lịch trong tỉnh và các nơi khác trong cả nước để gửi khách đến. Tuy nhiên, cộng đồng không hợp tác với một đối tác mà họ hợp tác với hàng chục thậm chí hàng trăm công ty du lịch với kỳ vọng họ sẽ gửi lượng khách lớn đến trải nghiệm tại cộng đồng. Trong thời đại cạnh tranh về du lịch rất khốc liệt như hiện nay, có rất ít doanh nghiệp mạnh dạn bỏ ra một số tiền lớn để quảng bá cho mô hình du lịch CBT rồi bán sản phẩm và mang khách đến. Vì một khi họ đầu tư số tiền lớn để quảng bá thì doanh nghiệp khác ngay lập tức hưởng lợi và giảm giá để kéo khách về cho công ty mình, dẫn đến việc là không có công ty du lịch nào đủ can đảm để chi số tiền lớn và quảng bá cho mô hình CBT đó. Một khía cạnh khác, có rất nhiều công ty du lịch tại Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B, có nghĩa rằng công ty du lịch này không chủ động giới thiệu sản phẩm du lịch đến tận tay khách du lịch mà họ giới thiệu sản phẩm qua một đối tác trung gian, do đó, việc đối tác nước ngoài có giới thiệu mô hình du lịch CBT hay không là phụ thuộc rất lớn vào đối tác nước ngoài.

Kinh nghiệm thực tiễn tại Quảng Bình

Du lịch cộng đồng

Rustic Chày Lập, hay còn gọi là Thôn quê Chày Lập, là điểm du lịch Cộng đồng đầu tiên tại thôn Chày, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được xây dựng vào tháng 2/2009 do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua một tổ chức NGO. Ban đầu UBND xã Phúc Trạch thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng xã Phúc Trạch và sau này là HTX du lịch cộng đồng Chày Lập cũng được hình thành để sở hữu, quản lý và hưởng lợi từ hoạt động du lịch của cộng đồng. Có tất cả 15 hội viên là những nông dân trong khu vực thôn Chày được tham gia vào hợp tác xã để vận hành mô hình du lịch.

Hình thức đầu tư của dự án là nhà tài trợ hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng mô hình homestay và mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động như xe đạp, kayak và một số công cụ khác. Các xã viên HTX thực hiện đối ứng vốn bằng 20% tổng vốn đầu tư (tương đương 372,500,000 đồng) bằng cách xác nhận khoản nợ này với một quỹ phúc lợi phụ nữ địa phương. Cứ mỗi khách đến sử dụng dịch vụ với số tiền 100 ngàn đồng thì sẽ trích lại 50 ngàn đồng để trừ nợ vốn đối ứng và thực hiện trong vòng 10 năm.

Phía dự án cũng đã tổ chức rất nhiều chuyến Famtrip dành cho các công ty lữ hành từ Huế đến Tp.HCM và Hà Nội đến Chày Lập khảo sát và ký kết các hợp đồng hợp tác và cam kết gửi khách du lịch đến cho cộng đồng. Thời gian đầu, các công ty du lịch cũng gửi khách đến và hoạt động du lịch cộng đồng Chày Lập cũng có thu nhập ít nhiều.

Các thành viên trong Ban Quản trị HTX Du lịch Cộng đồng Chày Lập lúc bấy giờ xuất phát điểm là những người nông dân, do đó, họ có nhiều hạn chế về kinh nghiệm kinh doanh, các kỹ năng về phục vụ, giao tiếp, tiếng Anh,… nên gặp nhiều khó khăn để thực hiện ý định nhân văn tốt đẹp của thương hiệu Thôn Quê Chày Lập.

Hoạt động du lịch dần trở nên sa sút khi dự án kết thúc và các khoản nợ mới chỉ được trả được khoảng 30% thì mất khả năng thanh toán. Hoạt động du lịch sau đó gần như không còn hoạt động, các trang thiết bị hư hại không thể sử dụng, các căn nhà đầu tư làm homestay cũng không có khách đến. Và các xã viên phải gánh một khoản nợ kéo dài trong nhiều năm nay.

Mô hình Homestay ở Phong Nha

Khi được truyền thông trong nước và thế giới liên tục đưa tin sau các sự kiện của Hang Sơn Đoòng, Phong Nha từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong nước và thế giới. Các sản phẩm du lịch mạo hiểm dài ngày được triển khai ở Phong Nha thu hút nhiều du khách, điều này đòi hỏi một nhu cầu lưu trú rất lớn đối với một vùng làng quê nhỏ như Phong Nha. Từ những năm 2016 đến nay, mô hình homestay (các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ) bắt đầu nở rộ, rất nhiều hộ dân vay tiền để xây dựng thêm phòng nghỉ, cơi nới nhà cửa tạo thêm phòng để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động và dịch vụ khác phục vụ du khách cũng được phát triển khá rầm rộ.

Các mô hình homestay ở Phong Nha trở nên hấp dẫn du khách hơn và kinh doanh ngày càng thuận lợi. Nguồn khách của các homestay này đến chủ yếu từ các kênh OTA (Online Travel Agents) như booking.com, Agoda, Airbnb và nhiều nền tảng khác. Ngoài ra, các homestay còn có một nguồn khách khá lớn là từ những công ty du lịch mạo hiểm như Oxalis, Jungle Boss, Green Land và nhiều công ty khác trên địa bàn. Hàng năm, mỗi công ty có số lượng khách trên dưới 15 ngàn người.

Hiện nay, Phong Nha có hơn 100 cơ sở lưu trú (homestay). Các cơ sở này hiện đang hoạt động độc lập như các mô hình cơ sở lưu trú khác. Họ kinh doanh và tìm kiếm khách từ nhiều nguồn khác nhau để duy trì và phát triển cơ sở của mình một cách hiệu quả.

Như vậy, mô hình homestay ở Phong Nha hoạt động hiệu quả chính là nhờ vào các hoạt động du lịch tại điểm đến Phong Nha - Kẻ Bàng, các sản phẩm du lịch của các công ty du lịch mạo hiểm và các điểm du lịch đã thu hút khách đến. Các homestay đã tận dụng tốt cơ hội này để bán phòng và các dịch vụ của mình thông qua các kênh trực tiếp và qua các hệ thống OTA.

Kinh nghiệm CBT hiệu quả từ Thái Lan

Mô hình du lịch cộng đồng ở Thái Lan có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, từ nhiều năm về trước, người dân Thái Lan cũng thành lập các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tự cung tự cấp để bảo đảm người dân trong cộng đồng đủ ăn. Các mô hình du lịch cộng đồng cũng được hình thành dựa vào các mô hình HTX cũ, và loại hình du lịch cộng đồng này của Thái Lan ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn vì các hội viên HTX đều là những nông dân lớn tuổi và không nắm bắt công nghệ cũng như kiến thức để thích ứng với điều kiện mới. Chúng tôi đến làng du lịch cộng đồng Meatha Community ở tỉnh Lanphun vùng tây bắc Thái Lan để tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp và du lịch cộng đồng ở đây. Cộng đồng có khoảng 13 hộ sản xuất tham gia vào HTX, trong đó có hộ sản xuất rau củ sạch, hộ nuôi gà đẻ trứng sạch, hộ nuôi gà sạch,... cung ứng cho các hệ thống siêu thị sạch trên phạm vi Chiang Mai và các tỉnh khác của Thái Lan. Các sản phẩm nông nghiệp của họ được đưa vào hệ thống TopMarket thuộc tập đoàn Central Corp rất lớn ở Thái Lan. Ngoài ra, họ còn kinh doanh du lịch và Meatha trở thành điểm tham quan cho du khách trong vào ngoài nước.

Khi chúng tôi tìm hiểu làm thế nào mô hình cộng đồng này thành công trong cả du lịch cũng như mang sản phẩm của họ vào các hệ thống siêu thị hàng đầu Thái Lan thì được biết ban đầu, ban điều hành HTX là những chủ hộ sản xuất trong cộng đồng, những người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm theo hướng dẫn của các chuyên gia đến từ các trường đại học và các tổ chức khác ở Thái Lan. Tuy nhiên, vì họ là nông dân nên không thể có đủ kiến thức để tiếp thị hay bán hàng, họ cũng không có khả năng đi đàm phán với các tập đoàn siêu thị để mang sản phẩm của họ vào bán trong các chuỗi siêu thị.

Trong hoàn cảnh đó, một hội doanh nhân gốc Thái ở nước ngoài đã có sáng kiến dành một khoản ngân sách đáng kể để đi tìm kiếm, kêu gọi con em địa phương Meatha, những người đi làm ăn xa nhưng có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trở về quê hương để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và phát triển ngay chính trên quê hương của họ. Ban điều hành HTX Meatha hiện nay có 6 người và mỗi người phụ trách mỗi mảng và họ đang làm rất tốt. Với vốn kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết của mình, họ đã tận dụng các mối quan hệ của chính quyền, các tổ chức xã hội và nhiều nguồn lực khác để kết nối, giới thiệu các sản phẩm sạch của Meatha vào các chuỗi siêu thị lớn của Thái Lan. Cũng chính nhóm này đã xây dựng các sản phẩm du lịch, trực tiếp thực hiện quảng bá, tiếp thị, bán hàng và thu hút khách du lịch đến tham quan mô hình du lịch cộng đồng của mình.

Nếu mô hình CBT được hình thành ở ngay chính một điểm đến du lịch đã nổi tiếng và có nguồn khách dồi dào như ở Phong Nha thì việc triển khai mô hình du lịch cộng đồng sẽ đơn giản hơn. Khi nguồn khách có sẵn thì việc thu hút họ đến trải nghiệm một số hoạt động du lịch của cộng đồng là rất khả thi. Lý do để khách du lịch đến không phải là vì các sản phẩm của du lịch cộng đồng, mà là vì Phong Nha trở nên hấp dẫn hơn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và thu hút khác. Lúc này sản phẩm du lịch cộng đồng sẽ trở thành các hoạt động phụ mang giá trị gia tăng cho hành trình của khách du lịch mà không phải là mục đích chính để khách đến Phong Nha.

Một trường hợp tương tự là làng du lịch thích ứng thời tiết Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình vừa được Tổ chức Du lịch Thế giới công nhận là "Làng du lịch tốt nhất". Mô hình du lịch cộng đồng bao gồm các hoạt động trải nghiệm ăn uống tại nhà dân và nghỉ đêm tại homestay thích ứng thời tiết. Nguồn khách của các hoạt động này là chủ yến đến từ nguồn khách tham gia các tour khám phá hang động Tú Làn. Tân Hoá không thể phát triển và có đủ nguồn khách để duy trì hoạt động nếu chỉ có các sản phẩm homestay thích ứng thời tiết và trải nghiệm ăn tối tại nhà dân, vì bản thân các sản phẩm này không sức hút để lôi kéo khách di chuyển hàng ngằm km tới đây chỉ để trải nghiệm.

Một mô hình du lịch CBT độc lập không gắn với một điểm đến nào có tiếng chỉ có thể thành công khi họ có sản phẩm "ĐINH" đủ sức lôi kéo khách di chuyển hàng trăm hay hàng ngàn cây số để được đến trải nghiệm. Từ đó, cộng đồng CBT có thể phát triển các dịch vụ đi kèm như ăn uống, homestay, cafe và các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, CBT cần phải có nguồn lực đủ mạnh để thực hiện các chiến lược quảng bá, tiếp thị và lôi kéo khách đến du lịch.

Nguyễn Châu Á - CEO Oxalis Adventure.

Bạn sẽ thích

Những chuyến du lịch thám hiểm/mạo hiểm của Oxalis sẽ cung cấp cho bạn cơ hội trải nghiệm đi rừng, vượt núi, đu dây và bơi trong hang ở khu vực Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng hoặc hệ thống hang động Tú Làn. Phần lớn là tour ghép, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nhóm nhỏ cũng như đi một mình.

Trải nghiệm nhẹ nhàng

Tour qua đêm

Tour trọn gói nhiều ngày